Tranh đề tên họa sĩ Lê Văn Đệ bị nghi giả, được bán "quay vòng" với giá "trên trời"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bức tranh đề tên Lê Văn Đệ vừa được gõ búa hơn 1 tỷ đồng. Bức tranh bị nghi giả này từng được một nhà sưu tầm mua cách đây 2-3 năm tại Paris với giá 76.000 Euro và sau đó lại vào sàn đấu giá quốc tế và được bán thành công với mức giá 43.000 Euro (gần 1 tỷ đồng).

Thông tin từ nhà đấu giá cho biết, bức tranh được sáng tác năm 1932 tại Hà Nội, vẽ bằng mực và màu nước trên lụa, khắc họa hình ảnh người mẹ tóc đen dài, nằm ôm con trên võng.

Lý do nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi khẳng định đây là tranh chép bởi: "Bức tranh vô hồn, nét mặt người mẹ rất vụng về. Phần chữ ký và dấu triện rất cẩu thả, như được đồ lên đó. Một đặc điểm quan trọng khác chứng minh bức tranh là hàng giả khi tranh ghi "Hanoi 1932", tuy vậy thời điểm này hoạ sĩ Lê Văn Đệ đang ở Pháp".

Bức tranh bị nghi giả vừa được gõ búa thành công với giá 43.000 euro (tương đương hơn 1 tỷ đồng

Bức tranh bị nghi giả vừa được gõ búa thành công với giá 43.000 euro (tương đương hơn 1 tỷ đồng

Hơn thế, so với bức tranh gốc "Nắng hè" của hoạ sĩ Lê Văn Đệ được in trong một cuốn sách cũ, có sự khác nhau rất rõ rệt, từ màu sắc cho tới đường nét có độ tinh tế và uyển chuyển trên nền lụa.

Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt cho biết gia đình anh có lưu lại một bản in trước năm 1975 hình ảnh tác phẩm "Nắng hè" bản gốc. Cha anh là họa sĩ Đặng Ngọc Trân, học trò của ông Lê Văn Đệ ở Trường Mỹ thuật Gia Định. Một lần, danh họa mượn tranh từ nhà sưu tập cho sinh viên chiêm ngưỡng, trong đó có Đặng Ngọc Trân.

"Ba tôi nói ông chừa màu trắng rất khéo. Trong tranh, cậu bé, áo yếm của người mẹ chừa trắng. Màu nâu vàng như tơ tằm phủ đầy bức tranh, toát lên vẻ thanh thoát, quý phái rất riêng.", anh nói.

Còn ở bức tranh vừa đấu giá, màu sắc nhợt nhạt và không thể hiện được sự khéo léo của danh họa khi sử dụng màu trắng trong tranh.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết, ông đã biết bức tranh chép lại bức "Nắng hè" của Lê Văn Đệ tại một phiên đấu giá cách đây chừng 2-3 năm. Bức tranh đã được gõ búa 76.000 Euro.

Sau đó, nhà sưu tầm này có thể nghe phong thanh về mức độ không đáng tin cậy của bức tranh nên đã quyết định bán ra với giá khởi điểm khá thấp, chỉ 20.000-25.000 Euro tại nhà đấu giá Drouot. Trong phiên "Classic sale" ngày 1/7, bức tranh đã được gõ búa với giá 43.000 Euro, có nghĩa thấp đến một nửa giá trị ban đầu. Nhưng dù sao nhà sưu tầm cũng đã vớt vát được chút ít với một bức tranh bị nghi là giả.

Ảnh chụp bản gốc bức tranh "Nắng hè" của Lê Văn Đệ do kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt cung cấp

Ảnh chụp bản gốc bức tranh "Nắng hè" của Lê Văn Đệ do kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt cung cấp

Trước đó, nhiều tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm... được chào bán trên sàn quốc tế nhưng cũng bị nghi là giả.

Cũng theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, nhiều sàn đấu giá ở nước ngoài giống như cái chợ. Họ bày bán nhiều mặt hàng, dù có giám tuyển nhưng cái gì có lợi thì họ làm, bất chấp thật- giả, trắng - đen. Những vụ tranh giả được phát hiện như thế này là khá nhiều và làm ảnh hưởng tới uy tín cũng như giá trị tranh Việt Nam. Thế những, hết vụ này lại đến vụ khác.

"Những bức tranh giả khi bị phát hiện không bị nhà đấu giá tiêu hủy mà lại quay vòng trở lại sàn đấu giá. Vì thế, việc của các nhà nghiên cứu, báo giới là phải lên tiếng mạnh mẽ để các nhà sưu tầm dè chừng. Nếu không may mua phải tranh giả sẽ quay lại nhà đấu giá trả lại tranh và yêu cầu hoàn tiền. Hơn thế, khi tham gia các phiên đấu giá quốc tế, các nhà sưu tầm trong nước cần có các cố vấn nghệ thuật để tránh tình trạng mua phải tranh chép, tranh nhái với giá "trên trời", ông Ngô Kim Khôi nói.

Hoạ sĩ Lê Văn Đệ sinh năm 1906- 1966. Ông là thủ khoa khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930. Năm 1931, Lê Văn Đệ sang Pháp học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp và sau đó đoạt nhiều giải thưởng về hội hoạ. Danh hoạ cũng là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.