Tranh chép: Hàng giả được thừa nhận

(ANTĐ) - Tranh chép, tranh nhái đang tồn tại ngang nhiên bên cạnh tranh thật như một sự hiển nhiên, một sự thừa nhận. Sự thừa nhận ở đây là ở cả những người mua tranh, người chép tranh, người bán tranh, và có lẽ cả những người làm công tác quản lý thứ hàng hóa đặc biệt này...

Tranh chép: Hàng giả được thừa nhận

(ANTĐ) - Tranh chép, tranh nhái đang tồn tại ngang nhiên bên cạnh tranh thật như một sự hiển nhiên, một sự thừa nhận. Sự thừa nhận ở đây là ở cả những người mua tranh, người chép tranh, người bán tranh, và có lẽ cả những người làm công tác quản lý thứ hàng hóa đặc biệt này...

>>> Kỳ 1: Họa sĩ biết kêu ai?

Người bán hám lời

Trong vai một người đi tìm mua tranh của họa sĩ Thành Chương, tôi ghé vào một gallery khá rộng rãi trên phố Nguyễn Thái Học. Anh bán hàng ban đầu có vẻ dè dặt: “Tranh của Thành Chương đắt lắm, bọn anh không có”.

Tôi tỏ ra tiếc rẻ: “Thế không có tranh chép hả anh? Em đang cần tìm mấy bức về trang trí quán cà phê mới”. Lập tức thái độ của anh khác hẳn, anh mời tôi vào ngồi bên chiếc máy vi tính, mở sẵn folder ảnh cho tôi chọn, không quên đặt thêm mấy quyển catologe đã xộc xệch gáy bìa – bằng chứng của sự đắt khách.

Anh không ngớt lời quảng cáo: “Gallery nhà anh có uy tín lắm. Đảm bảo chất lượng, giống y nguyên mẫu, màu bền. Có khi ông hoạ sỹ đến quán em uống cà phê cũng phải ngạc nhiên ấy chứ. Mấy tiệm cà phê fastfood ở Cầu Giấy, Kim Mã, Láng Hạ, Trung Hòa - Nhân Chính toàn đặt tranh ở đây đấy...”.

Tôi tin là anh bán hàng không nói ngoa vì quả thực là các quán cà phê ở những khu vực trên từ tiệm đèn mờ bình dân đến 4-5 tầng sáng trưng, sang trọng đều treo tranh chép cả.

Nằm ở vị trí đắc địa, ngoài mặt tiền của những con phố cổ, nơi qua lại của nhiều khách du lịch nước ngoài nên giá thuê gallery rất đắt. Mức giá trung bình tại Hàng Trống, Nguyễn Thái Học là 2000 - 3000 USD/tháng.

Còn tại Hàng Đào, Hàng Bông, Tạ Hiện... thì khó mà dưới 4000USD/tháng. Thế mới biết, việc kinh doanh buôn bán của các gallery có lợi nhuận như thế nào.

N.A.M - sinh viên trường Mỹ thuật đồng thời là thợ chép tranh trên phố Hàng Bông cho hay: “Tôi mới vào nghề nên giá công thường là 50 – 200.000 đồng/bức tuỳ vào độ khó của mẫu tranh. Trong khi đó người chủ có thể bán 500 – 600.000 đồng/bức.

Muốn mua một bức tranh chép ư, không khó!

Muốn mua một bức tranh chép ư, không khó!

"Với các bức chép tinh vi giống bản mẫu gần như là 100%, chủ sẵn sàng bán với giá trên 1000 USD. Nhưng nói chung chỉ có người nước ngoài mới hỏi mua tranh thật chứ khách mình từ đi bộ đến xe hơi đời mới, 9 người thì 10 người hỏi mua tranh chép”.

Bán tranh giả với giá tranh giả đã lời gấp 5, 6 lần, chưa nói đến việc bán tranh giả với giá tranh thật. Điều đáng nói là, những khách hàng bị lừa gạt đều là người ngoại quốc, mà như cách nói của anh bán hàng thuê ở cửa hiệu tôi ghé qua là: “Khách vãng lai nên không cần phải giữ chữ tín”.

Anh đâu biết chữ tín ở đây đâu chỉ của riêng một gallery nào mà là chữ tín của cả một nền mỹ thuật, cao hơn nữa là chữ tín của một nền văn hóa đang bước vào hội nhập quốc tế. Song với lợi nhuận quá lớn như vậy, ít ai đủ lương tâm để chối từ. Hơn thế, lợi nhuận còn lôi kéo được các gallery vốn làm ăn chân chính cũng phải vác thêm tranh giả về bán kiếm lời.

Người mua vô cảm

Cái lý của người bán tranh giả là có cung thì mới có cầu, rằng dân mình làm gì có tiền mua tranh thật, hay kể cả có tiền cũng ít người bỏ ra cả chục triệu đồng để mua về một bức tranh.

Ông Nguyễn Văn Nam – CT11 Chung cư Mỹ Đình cho biết: “Tôi mua nhà 1 tỷ đồng thật đấy nhưng bảo bỏ ra 10 triệu đồng để mua 1 bức tranh thì thấy phí phạm quá. Tranh mang về cũng chỉ treo cho sáng phòng chứ có ngắm nghía gì đâu. Khách đến nhà khen tranh đẹp mấy ai  quan tâm tranh thật hay tranh giả, tác giả của tranh là ai. Bản thân tôi cũng không biết về mấy hoạ sỹ Việt Nam hiện thời”.

Với đa số người dân Việt Nam, việc treo tranh chỉ thuần túy là làm đẹp nhà cửa chứ không phải để thưởng thức hay suy ngẫm. Nếu ai đó không thích treo các bức tranh chép thì cũng không phải vì họ ý thức về hàng giả.

Chị Nguyễn Hà (Tập thể Bộ Y tế - phố Núi Trúc – Kim Mã) khẳng định: “Nhà tôi không bao giờ treo tranh chép. Tôi thà treo tranh của ông bạn hoạ sỹ nghiệp dư tặng hoặc tự vẽ còn hơn. Mấy bức Hoa hướng dương, Chân dung Van Gogh hay Thiếu nữ bên hoa huệ đẹp thật đấy nhưng đi đến nhà nào cũng bắt gặp, thành ra chẳng muốn mua nữa. Tôi không thành kiến gì với tranh chép cả, chỉ là không thích sự trùng lặp thôi”.

Rõ ràng là, tranh chép được thừa nhận trong xã hội như một mặt hàng chính thống. Bản thân người chơi tranh (theo đúng nghĩa đen của từ “chơi”) không mấy ai bận tâm đến công sức lao động sáng tạo của người họa sỹ để có được bức tranh quý.

Thế nên người ta vô cảm, và hoàn toàn dửng dưng, cho phép (về mặt lương tâm và cả hành động) những sản phẩm ăn cắp được tồn tại và lưu hành rộng rãi trên thị trường.

Sự vô cảm ấy đáng báo động. Nhưng luật pháp và các nhà quản lý văn hoá - những người bảo hộ cho nghệ thuật đích thực chẳng lẽ cũng vô cảm?

(Còn nữa)

Hoàng Hồng