Trái khoáy!

ANTĐ - - Bây giờ thức ăn thức uống độc hại dễ gây bệnh, đi lại thì căng như dây đàn, bất trắc rình rập, chỉ một thằng phóng nhanh vượt ẩu đâm vào mình, một gã lái xe khách ngủ gật là “vô cùng thương tiếc” ngay.

- Phỉ phui cái mồm ông, sáng ra đã nói chuyện dở người. 

- Sao lại dở, nói thế để ông phòng xa, ngay từ bây giờ hãy liều liệu cho đám tang của mình, ngộ nhỡ có “bất đắc kỳ tử” thì con cháu cũng đỡ cuống.

- Chết là hết, phòng cái gì?

- Thì, dù có muộn cũng cố mà sống tử tế, đừng rình mò người khác, đừng ngậm máu phun người, đừng… nhiều thứ, để nếu sống dai thì cũng không ăn hết lộc của con cháu, còn nếu có “đi” cũng còn có người đến viếng một cái. À, nhân cái chuyện phúng viếng, phục vụ đám tang cũng thấy có chuyện trái khoáy.

- Trái khoáy thế nào?

- Ấy là chuyện ở thành phố nọ có một vị lãnh đạo đã về hưu từ trần, sẽ bình thường như trăm nghìn đám tang khác nếu như không có việc văn phòng UBND thành phố này có công văn cho hơn mười phòng ban cử cán bộ đến phục vụ đám tang, số lượng được điều động lên đến 60 người, chủ yếu là rót nước mời khách đến viếng, lau chùi ấm chén, đảm bảo vệ sinh… và làm những việc khác theo chỉ đạo của người phụ trách đám tang, thời gian phục vụ từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối.

- Huy động bằng công văn cơ à?

- Công văn, có chữ ký, có đóng triện đỏ hẳn hoi.

- Tùy tiện, chẳng biết người chết có vì thế mà “oai” hơn? 

- Trái lại, nếu người chết biết được vì cái chết của mình mà làm phiền bao người khác thì chắc rất rầu lòng, vì khi sống cụ là người mẫu mực, khiêm nhường, không ưa bày đặt.

- Thôi, cứ cho là người ta huy động vì lòng kính trọng cụ đi, cho nhẹ người.

- Thì, cứ cho là thế, nhưng đúng là “kính chẳng bõ phiền”!