Trách nhiệm và chủ động ứng phó với biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù được cho là tâm dịch chính khởi phát biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gây lo ngại sâu sắc trên toàn cầu, nhưng Nam Phi cũng được ghi nhận, đánh giá cao ở việc đã hành động rất có trách nhiệm khi không giấu dịch mà chủ động công khai sớm để cảnh báo với cả thế giới về một biến chủng “siêu lây nhiễm” mới.
Việc Nam Phi không giấu dịch để chia sẻ thông tin về biến thể Omicron đã giúp thế giới ứng phó tốt hơn với biến thể nguy hiểm này

Việc Nam Phi không giấu dịch để chia sẻ thông tin về biến thể Omicron đã giúp thế giới ứng phó tốt hơn với biến thể nguy hiểm này

Đánh giá cao việc không giấu dịch

Hiện cả thế giới đang khẩn trương ứng phó với biến thể Omicron (B.1.1.529) được cho là nguy hiểm nhất trong các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 từ trước tới nay. Dù chưa biết chính xác mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron song với những gì đã ghi nhận bước đầu, các chuyên gia cho rằng, biến thể này có thể còn nguy hiểm hơn biến thể Delta vốn đang gây ra làn sóng dịch nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Theo giới chuyên môn, biến thể Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để hướng dẫn hệ miễn dịch chống virus SARS-CoV-2.

Một số đột biến này đã được phát hiện trước đây, một số khác được cho là “kế thừa” khả năng né tránh vaccine của biến thể Beta, trong khi hầu hết đột biến có khả năng lây lan rất cao như biến thể Delta. Biến thể Omicron còn có 26 đột biến chưa từng phát hiện ở protein gai, nhiều hơn so với 10 đột biến như vậy ở biến thể Delta và 6 đột biến ở biến thể Beta. Nhiều đột biến trong số này dường như có thể “gây khó” cho hệ miễn dịch trong việc phát hiện và tấn công biến thể Omicron

Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29-11 đã đánh giá biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức “rất cao”, có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh. Theo WHO, biến thể Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có những đột biến được cho là có thể tác động tới xu hướng đại dịch.

Toàn thế giới đang nâng cao cảnh giác, đưa ra các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thấp mức độ lây lan của biến thể Omicron cũng như đẩy nhanh nghiên cứu để điều chế vaccine có hiệu quả với biến thể này.

Biến thể Omicron dù được đánh giá rất nguy hiểm nhưng đã được phát hiện và cảnh báo sớm và chính điều này có thể giảm thiểu rất nhiều mức độ “tàn phá” mà nó có thể gây ra trên toàn cầu, có thể giúp thế giới tránh một làn sóng dịch tồi tệ như đợt dịch do biến chủng Delta gây ra.

Trước đó, các nhà khoa học và Bộ Y tế Nam Phi vào ngày 18-11 vừa qua đã lần đầu công bố thông tin về biến thể Omicron với cảnh báo rằng biến thể này có khả năng lây lan và kháng vaccine cao hơn các biến thể trước. Biến chủng mới nhanh chóng được đặt tên B.1.1.529 và được các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới tập trung nghiên cứu. Khi các nhà khoa học Nam Phi cung cấp thêm nhiều bằng chứng về mức độ nguy hiểm của virus, WHO vào ngày 26-11 đã chính thức đặt tên Omicron cho biến chủng mới B.1.1.529, đồng thời vào danh sách biến chủng “đáng quan ngại”.

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti đánh giá cao việc Nam Phi đã tuân thủ các quy định y tế quốc tế và thông báo cho WHO ngay sau khi phòng thí nghiệm quốc gia xác định được biến thể Omicron. Theo đại diện WHO, tốc độ và sự minh bạch của Chính phủ Nam Phi và Botswana trong việc thông báo cho thế giới về biến thể mới “cần được khen ngợi, đồng thời khẳng đỉnh tổ chức này luôn sát cánh cùng các nước châu Phi đã “dũng cảm chia sẻ những thông tin sống còn như vậy để giúp bảo vệ thế giới chống lại sự lây lan của Covid-19”.

Hành động nhanh chóng, kịp thời của các nhà khoa học và giới chức Nam Phi đã được các quốc gia trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Trong cuộc điện đàm ngày 27-11 với người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng ca ngợi các nhà khoa học Nam Phi đã “nhanh chóng nhận diện biến chủng mới, cũng như Chính phủ Nam Phi minh bạch trong chia sẻ thông tin” và “đây nên là hình mẫu cho thế giới”.

Minh bạch trong ứng phó với đại dịch

Trong bối cảnh thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đang từng bước khôi phục lại các đường bay thương mại quốc tế. Việc xuất hiện biến chủng Omicron ở khu vực Nam Phi và hiện đã lây lan ra hàng chục nước và vùng lãnh thổ như Hà Lan, Anh, Đức, Mỹ… nên không loại trừ nguy cơ lây lan biến thể này ở Việt Nam bởi đây đều là những nước có giao thương với Việt Nam.

Việt Nam ngay sau có thông tin về biến chủng Omicron cũng đã nhanh chóng, chủ động, tích cực để ứng phó với biến chủng được cho là có khả năng lây lan gấp 500% so với biến chủng Delta đang gây ra đợt dịch thứ tư tại nước ta (bắt đầu ngày 27-4-2021).

Tính tới nay, nước ta đã ghi nhận 1.232.852 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ tư (số liệu đến ngày 30-11-2021) trong tổng số 1.238.082 ca nhiễm kể từ khi dịch bùng phát tháng 1-2020 tới nay.

Văn phòng Chính phủ ngày 29-11 đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo đó, nhằm chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến biến thể Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế hiện đang phối hợp chặt chẽ với WHO và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến thể của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 30-11 đã làm việc đại diện của WHO tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và Giám đốc chương trình an ninh y tế toàn cầu của CDC Mỹ tại Việt Nam để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến thể Omicron. Việc Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC Mỹ… trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như trong ứng phó với biến chủng mới cho thấy sự tích cực, chủ động và minh bạch trong công tác phòng, chống đại dịch của Việt Nam.