Xung quanh việc hàng trăm giáo viên tố cáo bị lừa thi Tin học, Ngoại ngữ:

Trách nhiệm thuộc về ai?

ANTD.VN - Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 27-10 có đăng bài “Nghi bị lừa khi thi Tin học, Ngoại ngữ, hàng trăm giáo viên đòi lại tiền” phản ánh việc hơn 300 giáo viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố khiếu nại bị Công ty CP Giáo dục đào tạo trực tuyến Slearning “đem con bỏ chợ” khi họ đăng ký thi lấy chứng chỉ 2 môn học nói trên. Mặc dù sau khi sự cố xảy ra, công ty này đã trả lại tiền cho thí sinh, nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại...

Chứng chỉ Tin học bị nghi làm giả với nhiều lỗi chính tả, chữ ký và con dấu scan màu

Rối rắm liên doanh, liên kết

Kể từ lúc bị các thí sinh gây sức ép sau nhiều lần hứa hẹn tổ chức thi cấp chứng chỉ môn tiếng Anh không thành, phía Công ty Slearning đã hoàn trả toàn bộ số tiền mà đơn vị này đã thu. Tuy nhiên, một số thí sinh trước đó dự thi môn Tin học tỏ ý nghi ngờ chứng chỉ mà công ty này thay mặt đơn vị đào tạo chuyển đến cho họ là chứng chỉ giả.

Chị L.T.H, trú tại thị trấn Văn Điển cho biết: “Tôi đăng ký dự thi hai môn Tin học, Ngoại ngữ và đều nộp tiền cho Công ty Slearning. Ở môn Tin học thì mọi việc trôi chảy, nhưng riêng môn tiếng Anh thì bị thay đổi lịch liên tục khiến thí sinh chán nản không muốn thi nữa. Vì vậy, sau khi đòi được tiền lệ phí môn tiếng Anh, chúng tôi về lấy chứng chỉ Tin học ra so thì thấy có nhiều điểm không bình thường. Cụ thể, nhiều chứng chỉ bị sai lỗi chính tả, con dấu, chữ ký của đơn vị cấp là Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia chỉ là bản scan màu”.

Để làm rõ những thắc mắc của các thí sinh, phóng viên Báo ANTĐ đã có buổi làm việc với đại diện trường Trung cấp đa ngành Hà Nội - đơn vị được cho là đã ký hợp đồng hợp tác tuyển sinh với Công ty Slearning để thi môn tiếng Anh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực tế năm 2015 chúng tôi có ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty Slearning thực hiện chiêu sinh cho hệ Trung cấp của trường. Do đó giữa 2 bên cũng có sự quen biết. Vì vậy, hôm 5-10, bà Lê Thị Vinh - Giám đốc Công ty Slearning có gọi điện sang trường tôi nói rằng đang có hơn 300 thí sinh muốn thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ và đề nghị chúng tôi giúp đỡ. Vì nhà trường cũng đã từng làm công tác chiêu sinh cho Đại học Ngoại ngữ nên chúng tôi nhận lời. Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ thì chỉ có hơn 200 thí sinh là đủ tiêu chuẩn. Sau đó, chúng tôi đã làm việc với trường Đại học Ngoại ngữ để họ lên kế hoạch tổ chức thi cho các thí sinh này. Nhưng vì số người dự thi quá đông, thời gian lại gấp nên Đại học Ngoại ngữ cho biết dự kiến đến 26-11 mới bố trí được. Có lẽ đây chính là lý do khiến các thí sinh bức xúc và gây áp lực với Công ty Slearning để đòi lại tiền”. 

Trụ sở Công ty Slearning

Cơ quan công an vào cuộc

Xung quanh nghi vấn về những chứng chỉ Tin học đã trả cho thí sinh là giả, bà Lê Thị Vinh - Giám đốc Công ty Slearning đề nghị phóng viên làm việc với Trung tâm hợp tác phát triển GD-ĐT có địa chỉ tại xã Hoa Lư, huyện Đông Anh, Hà Nội - đơn vị được cho là có liên kết đào tạo với Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia.

Bà Vinh khẳng định: “Đây là đơn vị đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tiền do Công ty Slearning chuyển sang và đã tổ chức thi Tin học cho các thí sinh. Tất cả chứng chỉ cũng do trung tâm này nhận từ Viện Công nghệ thông tin, sau đó chuyển về cho công ty chúng tôi để gửi tới học viên. Chúng tôi vẫn giữ đầy đủ biên bản, phiếu thu khi bàn giao hồ sơ, giấy tờ cho họ và họ phải có trách nhiệm về việc này. Hiện nay, Công ty Slearning đã gửi văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ những chứng chỉ Tin học do trung tâm gửi tới thí sinh là thật hay giả”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, ở Đông Anh không có xã nào mang tên Hoa Lư và cũng không có cơ quan nào là Trung tâm hợp tác phát triển GD-ĐT cả. Cũng từ thông tin của bà Vinh cung cấp về vị cán bộ tên là Tân - Trưởng phòng Đào tạo của trung tâm này, chúng tôi đã liên hệ nhiều lần qua số điện thoại 09859558xx nhưng thuê bao tắt máy.

Để làm rõ những nghi vấn của các thí sinh, phóng viên Báo ANTĐ liên hệ với PGS.TS Đỗ Năng Toàn - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia, ông Toàn cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ biết đến Trung tâm hợp tác phát triển GD-ĐT. Ngay cả việc liên kết đào tạo Viện cũng không có chủ trương chứ chưa nói đến cấp chứng chỉ thông qua một đơn vị khác. Từ trước đến nay, bất kỳ ai muốn có chứng chỉ Kỹ năng công nghệ thông tin thì bắt buộc phải qua một khóa đào tạo do Viện giảng dạy. Giáo trình học cũng như đề thi, chấm thi đều phải do giáo viên của Viện đảm nhiệm”.

Trước một số chứng chỉ của các thí sinh do phóng viên ANTĐ cung cấp và đề nghị Viện Công nghệ thông tin xác nhận, ông Toàn nói: “Việc kết luận các văn bằng, chứng chỉ này là thật hay giả thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Ở góc độ cá nhân, tôi chỉ có thể khẳng định là các chứng chỉ do Viện Công nghệ thông tin cấp ra bao giờ cũng do tôi ký trực tiếp chứ không dùng chữ ký scan. Tới đây, Viện Công nghệ thông tin sẽ đưa tất cả các số văn bằng, chứng chỉ đã cấp công khai lên mạng. Như vậy bất cứ cơ quan, tổ chức nào cần xác minh cũng có thể vào đó tra cứu và kẻ gian cũng không thể  làm giả được”.

Được biết hiện CAQ Cầu Giấy đã vào cuộc để làm rõ những vấn đề này, Báo ANTĐ sẽ thông tin sự việc đến bạn đọc.