TP.HCM: Khu vực có nguy cơ rất cao, người dân ở trong nhà, chính quyền sẽ cung cấp thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  TP HCM sẽ siết chặt Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp cấp bách để phong toả, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch Covid-19 trong thời gian 2 tuần tới.
TP HCM siết chặt phòng dịch, ngăn chặn lây lan dịch bệnh

TP HCM siết chặt phòng dịch, ngăn chặn lây lan dịch bệnh

Theo Chỉ thị 12 của Ban thường vụ Thành uỷ TP HCM vừa được ban hành, TP HCM đã trải qua 14 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 37 ngày thực hiện Chỉ thị 15.

Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, dịch Covid-19 tại thành phố vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong toả, cách ly. Số bệnh nhân đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị chống dịch đã quá tải...

Nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, giữ vững và mở rộng vùng an toàn, thành phố yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm quy định giãn cách, nhất là bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa.

Theo đó, thành phố yêu cầu, cư dân ở các khu phong toả cần thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp người xung quanh.

Người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, dùng phiếu đi chợ, siêu thị do địa phương cấp).

“Với một số khu vực nguy cơ rất cao, người dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ. Người đang cách ly tập trung tuyệt đối không được ra khỏi phòng và tiếp xúc trực tiếp người khác (trừ trường hợp cấp cứu)”- Chỉ thị 12 nêu rõ.

Cũng theo Chỉ thị này, các gia đình có ca F0, F1 cách ly tại nhà cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu). Chính quyền sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho những hộ dân này.

Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân. Thành phố cũng tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Đối với các ngành như: ngân hàng, chứng khoán, thành phố cho phép được hoạt động ở mức độ vừa phải để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể làm việc luân phiên, bố trí nhân sự làm trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

Chỉ thị 12 nêu rõ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động, gồm: y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ...

Các doanh nghiệp sản xuất chỉ được hoạt động khi tuân thủ nghiêm nguyên tắc "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) và "một cung đường, hai điểm đến" (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở). “Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị dừng hoạt động, xử lý nghiêm”- Chỉ thị 12 nhấn mạnh.

Mới đây, TP HCM cho mở lại một số chợ để phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân. Với các chợ này, Thành ủy TP HCM yêu cầu chợ truyền thống phải giảm quy mô hộ kinh doanh còn 30% so với trước; có biện pháp đảm bảo phòng dịch nghiêm túc và bán theo giá niêm yết.

Tại các chợ này, cũng chỉ có tiểu thương chỉ được kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu mới được bán hàng; bán luân phiên theo ngày chẵn lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.

Đối với cơ quan Nhà nước, cần bố trí làm việc luân phiên để hạn chế tập trung đông người. Cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, chỉ ra đường khi cấp thiết.

Tại các chốt kiểm soát ở TP HCM (12 chốt chính và các chốt liên quận huyện), chỉ xe công vụ, xe chở hàng hóa được cấp mã nhận diện (QR code) ra vào thành phố mới được giải quyết; xe công vụ, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch.