Tổng thống Obama: Trung Quốc không còn là đối tượng ưu tiên đầu tư số 1

ANTĐ - Trong bản thông điệp gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng từ giờ trở đi, Trung Quốc không còn là đất nước số 1 nên được đầu tư mà đất nước đó chính là Hoa Kỳ.
 

Trong phần chính sách đối ngoại của thông điệp gửi Quốc hội Mỹ “Về thực trạng đất nước”, ông Barack Obama tập trung vào Trung Đông, mà theo ý kiến của ông, là “một chiến thắng ngoại giao” của Mỹ. Ông đề cập đến Syria, đến việc rút quân khỏi Afghanistan...v.v. Trong khi đó, tổng thống dùng những cụm từ chung chung nhất để phác họa những vấn đề liên quan đến ATP.

Về vấn đề này, ông Sergei Luzianhin, Phó giám đốc Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết, còn quá sớm để bàn về việc chuyển trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như việc từ bỏ chính sách “trở lại châu Á” của ông Barak Obama.

Một sự đổi mới đáng chú ý nhất trong thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ có liên quan đến Trung Quốc. Theo đó, ông Obama tuyên bố rằng từ giờ trở đi, đây không còn là đất nước số 1 nên được đầu tư. Theo tuyên bố của ông Obama, đất nước đó phải là Hoa Kỳ.

Có vẻ như ám chỉ này liên quan đến các quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối trong tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của nước này. Những khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc đã đem lại sự tự tin cho các chính trị gia Mỹ là ít nhất, trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ vẫn chưa bị Trung Quốc đánh bại.

Nhưng tình hình như thế nào ở khía cạnh cạnh tranh địa chiến lược? Chúng ta thấy một điều lạ lùng khác trong thông điệp này là việc không có bất kỳ một đặc điểm nào của chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ - cả ở dạng mở rộng hay tóm tắt.

Một số phương tiện truyền thông Mỹ đã bình luận là, trong thông điệp Liên bang trình bày trước Quốc hội, có cảm giác rằng ông Barack Obama đã “đổi ý”, quay trở lại và hướng tập trung những nỗ lực chính vào chính sách kinh tế trong nước và khu vực Trung Đông. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ cũng muốn nói về những lợi ích của Mỹ ở châu Á, nhưng hiện tại chưa có cơ sở để đề cập đến vấn đề này.

Đầu tiên là về những cuộc đàm phán phức tạp thúc đẩy dự án đối tác xuyên Thái Bình Dương của Mỹ. Không phải mọi thứ trong các cuộc đàm phán này đều diễn ra suôn sẻ, quá trình đàm phán có thể sẽ kéo dài khá lâu và rõ ràng là hiện còn quá sớm để bàn đến nó, đặc biệt là ở cấp cao như vậy.

Mặt khác, những lời chưa nói ra có vẻ liên quan đến một số những sáng kiến mới đang chờ giải quyết với Nhật Bản và Ấn Độ. Cũng cần nhắc tới chuyến công du gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến New Delhi và việc ký kết một loạt các hiệp định song phương.

Điều quan trọng là trong các cuộc đàm phán này, phía Ấn Độ đã mời Nhật Bản tham gia vào các cuộc diễn tập chung Ấn Độ - Mỹ tổ chức hàng năm ngoài khơi bờ biển phía tây Ấn Độ. Một động thái không thể không có sự thống nhất trước với Washington, và chính điều đó chứng tỏ rằng Hoa Kỳ chưa có dự định rời khỏi châu Á.

Nhiều khả năng là những hoạt động trong tương lai của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ mang tính chất tổng hợp về kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp lý quốc tế… và điều này không phải lúc nào cũng được công khai. Cũng có thể là một sự hồi sinh kiểu áp dụng chiến tranh tâm lý như thuở đối đầu với Liên Xô nhưng lần này, họ sẽ gieo rắc vào đầu các dân tộc châu Á sự sợ hãi trước nguy cơ đe dọa kinh hoàng của Trung Quốc.

Có thể khẳng định là, chính sách quay lại châu Á của Mỹ không những sẽ không gỡ bỏ mà còn được tăng cường thêm. Điều này được chứng minh bằng thực tế là trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama đã cố gắng tấn công vào tâm điểm chú ý trên toàn cầu, khi làm nóng lại những đàm luận đã có từ lâu về việc Trung Quốc đang mất sức hấp dẫn đầu tư của mình.

Thực tế, việc ông Obama bây giờ không còn nói công khai về chính sách “trở lại châu Á” đã cho thấy rằng, những thách thức đối với lợi ích của Mỹ đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ không còn quá lạc quan với chiến lược “Quay lại Châu Á”, tuy nhiên nó vẫn sẽ là hướng đi chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ.