Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Sẽ xây dựng Big Data và áp dụng AI vào chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sẽ sớm triển khai các giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trả lời báo chí

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trả lời báo chí

Nhân kỷ niệm 28 năm ngày thành lập ngành bảo hiểm xã hội (16/12/1995-16/2/2023), Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với báo chí về một số nội dung mà ngành đã và đang tập trung triển khai.

Ông Mạnh cho biết, công tác phát triển người tham gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành BHXH, góp phần mở rộng độ bao phủ, tiến tới mục tiêu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân mà các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đề ra.

Đến hết năm 2022, cả nước có 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 16 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt hơn 14,3 triệu người. Số người tham gia BHYT đạt hơn 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Ba năm qua (từ năm 2020 đến năm 2022), trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành BHXH Việt Nam phối hợp cùng các Bộ, ngành tham mưu nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, BHTN với tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng (99,3% người nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).

Đặc biệt, ngành BHXH đã trở thành một trong những ngành đi tiên phong, đột phá trong công tác chuyển đổi số để mang lại lợi ích lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

BHXH Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số

BHXH Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành đã triển khai nhiều giải pháp mạnh để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, từng bước hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ.

Kết quả, đã cắt giảm từ 263 thủ tục hành chính (từ năm 2009) xuống chỉ còn 25 thủ tục hành chính vào năm 2022, với 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia;

Số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn trên 100 giờ vào năm 2022. Toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành.

Cùng đó, BHXH Việt Nam cũng đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện đã có trên 28 triệu tài khoản sử dụng...

Đến nay đã có trên 12,2 nghìn cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp (chiếm 95,4% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT), với hơn 10,5 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT bằng Căn cước công dân gắn chip thành công...

Cùng đó, hệ thống giao dịch điện tử và hệ thống thông tin giám định BHYT tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến/năm; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành địa phương…

Về mục tiêu trong thời gian tới, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngoài các nhiệm vụ chính trị quan trọng như đảm bảo diện bao phủ và thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, hay công tác quản lý quỹ, ngành BHXH sẽ tiếp tục rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình nghiệp vụ.

Từ đó, tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình của ngành; đẩy mạnh chi trả chế độ qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Trong đó, BHXH Việt Nam sẽ triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số của Ngành, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

“Đây là những giải pháp mang tính chiến lược, có vài trò bản lề trong quản trị và trong công tác phục vụ của ngành, nhằm đem lại những thuận lợi và lợi ích cao nhất cho nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp” – ông Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ.