Tồn kho chưa hết lo

ANTĐ - Báo cáo mới nhất của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, thị trường đang trong xu hướng chuyển biến tích cực. Nhờ chính sách mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người có nhu cầu thực sự, nên phân khúc nhà ở có giá trị 900 triệu đến 2 tỷ đồng, diện tích khoảng 80m2 sôi động hẳn lên, thậm chí cung không đủ cầu. Tuy nhiên, một con số đang lo ngại là, có tới hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng, 65% tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản.

Theo số liệu thống kê, hiện tại tổng dư nợ bất động sản của nước ta vào khoảng 262.100 tỷ đồng (tương đương 12,5 tỷ USD), chiếm 8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản của cả nước chỉ còn 83.000 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Từ đầu năm đến nay, giao dịch trên thị trường đã được cải thiện. Tại Hà Nội đã có khoảng 4.000 giao dịch thành công, song vẫn là thị trường bất ổn nhất, cả nước vì nhiều chủ đầu tư sử dụng tiền góp vốn của khách hàng để đầu tư. Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã công bố danh sách 74 dự án của hàng chục chủ đầu tư thiếu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng làm “sổ đỏ” cho khách hàng. Trong đó có những “đại gia” bất động sản có vốn Nhà nước với các dự án “khủng” một thời làm mưa, làm gió ở Hà Nội nhưng lại nợ “sổ đỏ” tại nhiều dự án. Chẳng hạn,

Vinaconex nợ sổ đỏ 600 khách hàng tại khu đô thị Spendora. Tổng công ty HUD có hàng loạt dự án Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Kim chưa được làm “sổ đỏ”. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 996 phê duyệt phát triển nhà ở Hà Nội. Theo đó, không cho phép triển khai các dự án không tuân thủ pháp luật, kinh doanh bất động sản và không đủ điều kiện hạ tầng để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ đô thị. Kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, dự án đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định.

Mặc dù trong già nửa đầu năm nay, nợ xấu bất động sản đã được kiểm soát, chỉ dao động khoảng 4%, song tồn kho vẫn là mối lo hiện hữu, một yếu tố nguy hiểm lớn đối với thị trường, đặc biệt hàng tồn khi ngày càng tăng do bị vốn hóa lãi vay vào vốn đầu tư. Nếu không giải phóng được hàng tồn kho sẽ làm tăng nợ xấu và ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống ngân hàng.