Tội phạm môi trường cần bị xử lý hình sự

ANTĐ - Theo số liệu thống kê, mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện 5.000- 6.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn. Ngoài lý do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện thì việc không thể xử lý hình sự là do những quy định của pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế.

Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến hành vi xả thải ra môi trường 
đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý

Theo số liệu vừa công bố của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày có 240.000m3 nước thải từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường, chưa qua xử lý. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt trên 8 tỷ đồng vi phạm về môi trường, kiến nghị truy thu 545 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh hết tình hình vi phạm của các cơ sở sản xuất.

Nói về việc xử lý tội phạm môi trường, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật S&B nhận xét, tội phạm hình sự thực hiện hành vi cướp của, giết người sẽ bị tử hình nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường, có thể giết cả thế hệ, thậm chí nhiều thế hệ thì chỉ bị xử phạt hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã bổ sung hình thức xử phạt mới là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với trường hợp hoạt động của cá nhân, tổ chức vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng con người, môi trường. Trong đó, mức phạt tiền được quy định trong Luật XLVPHC cũng đã nâng lên, tối thiểu từ 10.000 đồng lên 50.000 đồng, nâng mức phạt tiền tối đa từ 500 triệu lên 1 tỷ đồng áp dụng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Song, trên thực tế tội phạm môi trường vẫn ngày càng gia tăng do hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để trị loại tội phạm này.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về tội phạm môi trường đang còn rất thiếu. Trong đó, các khái niệm cơ bản như nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… chưa được quy định rõ trong luật. Bên cạnh đó, BLHS quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật hình sự mà chưa quy định đối với pháp nhân. Bởi, trên thực tế nhiều vụ việc pháp nhân vi phạm không xử lý được, nhất là nhóm tội phạm về kinh tế. Trong nhiều vụ việc, một chủ trương được cả tập thể quyết định rồi dẫn đến làm sai, nhưng lại chỉ có một cá nhân chịu trách nhiệm là không hợp lý. Đây là một trong những hạn chế, là lỗ hổng của hệ thống pháp luật.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, hiện nay có khoảng 60% các khu công nghiệp ở Việt Nam đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng do vận hành tốn kém nên không ít nơi cố tình né tránh. Trong đó, chỉ có khoảng 10% hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Việc làm này nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất, kịp thời phát hiện những sai phạm, giúp Ban Quản lý các khu công nghiệp nắm được thông số về mức độ ô nhiễm từ nước thải, chất lượng nước, tình hình thu gom, xử lí chất thải rắn… Đây là căn cứ để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp Luật Bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm xử lí nghiêm các cơ sở công nghiệp xả thải thẳng ra môi trường. Song, điều này cũng chưa được cơ quan quản lý môi trường của các chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉnh. Đây là nguyên nhân khiến nhiều vụ việc chưa được phát hiện, hoặc có phát hiện cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi đưa ra bằng chứng chứng minh mức độ vi phạm của các cá nhân, tổ chức.

Vì vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân để có thể xử lý hình sự hành vi vi phạm của các doanh nghiệp đối với lĩnh vực môi trường trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tránh tình trạng “nhờn thuốc”.