Tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ tài sản ảo, cho vay ngang hàng có thể phải báo cáo về phòng, chống rửa tiền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã bổ sung các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ phải báo cáo.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung một số hoạt động kinh doanh mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền mà tổ chức thực hiện hoạt động đó phải thực hiện báo cáo.

Các tổ chức này bao gồm: các tổ chức được cấp phép thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ (được hiểu là hoạt động cho vay ngang hàng - PV).

Như vậy, so với dự thảo công bố trước đó (vào tháng 11/2021), Ngân hàng Nhà nước đã loại bớt đề xuất báo cáo đối với dịch vụ cầm đồ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành quy định 2 nhóm gồm: các tổ chức tài chính; và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan. Tuy nhiên, hiện nay có một số hoạt động mới phát sinh như các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ...

Khung pháp lý của các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, tuy nhiên trong trường hợp khung pháp lý về cấp phép, quản lý của các hoạt động này được ban hành thì quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay sẽ chưa bao quát được các hoạt động mới phát sinh này. Đây là các hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung một số đối tượng phải báo cáo về phòng, chống rửa tiền

Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung một số đối tượng phải báo cáo về phòng, chống rửa tiền

Do đó, việc bổ sung đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ sẽ tạo cơ sở pháp lý để quản lý về phòng chống rửa tiền đối với các tổ chức này ngay khi có khung pháp lý điều chỉnh.

Quy định tại dự thảo Luật cũng phù hợp với xu hướng chung của pháp luật về phòng chống rửa tiền của các quốc gia trên thế giới. Ví dụ liên quan đến các tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), có hơn 90 quốc gia đã quy định các tổ chức này là đối tượng báo cáo tại pháp luật về phòng chống rửa tiền trong khi các nội dung về cấp phép, quản lý được quy định tại một văn bản chuyên ngành riêng.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tại khuyến nghị số 15 của FATF (Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính) yêu cầu các quốc gia phải: xác định và đánh giá các rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố phát sinh từ các hoạt động tài sản ảo và các hoạt động của các VASP; yêu cầu các VASP thực hiện các bước thích hợp để xác định, đánh giá, quản lý và giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của họ.

Theo đánh giá của APG (Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền) tại báo cáo đánh giá đa phương, một trong các lý do Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu tại khuyến nghị 15 của FATF là do: Việt Nam chưa có báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố liên quan đến tài sản ảo; các VASP không có nghĩa vụ phải nhận diện, đánh giá, quản lý và giảm thiểu rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố...

Do đó việc đưa quy định đối tượng báo cáo là các VASP tại dự thảo Luật cũng nhằm đáp ứng một phần khuyến nghị của FATF và đánh giá của APG.

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua quá trình hơn 8 năm thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong công tác này. Cơ chế phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đã được hình thành và phát triển, hoàn thiện với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng với việc hoàn thiện bộ máy gồm các cơ quan, tổ chức và đơn vị chuyên trách về phòng, chống rửa tiền.

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền, từ năm 2013 đến nay, Cục Phòng chống rửa tiền đã tiếp nhận hàng ngàn thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ và đã phân tích, chuyển giao khối lượng thông tin lớn cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Bên cạnh đó, Cục Phòng chống rửa tiền đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng chống rửa tiền liên quan đến các thông tin giao dịch đáng ngờ và hàng triệu giao dịch giá trị lớn từ các đối tượng báo cáo chuyển đến.

Thông tin dữ liệu này góp phần hỗ trợ tích cực trong việc phân tích và xử lý giao dịch đáng ngờ cũng như phối hợp với các đơn vị công an, thuế, thanh tra trong công tác đấu tranh chống tội phạm, gian lận thuế và vi phạm pháp luật khác.