Tỉnh táo trước "cái bẫy văn hóa"

ANTĐ - Trong khi Trung Quốc đã phải dựa vào sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của giới nghệ sỹ bảo vệ cho quan điểm yếu ớt và phi lý của mình về cái gọi là “đường chín đoạn” trên Biển Đông thì một bộ phận giới trẻ Việt, vì quá tôn sùng, yêu mến thần tượng lại hồn nhiên... sa vào cái bẫy này. 

Một nghệ sỹ nước ngoài như Kyo York cũng cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ những giá trị Việt Nam

Lục Tiểu Linh Đồng, Triệu Vy, Phạm Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Đường Yên… và một danh sách rất dài các nghệ sỹ Hoa ngữ đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc về “đường chín đoạn” trên Biển Đông, chỉ 1 ngày sau phán quyết bác bỏ của Tòa Trọng tài quốc tế về vấn đề này.

Từ Weibo - một mạng xã hội của Trung Quốc cho đến các công cụ mang tính toàn cầu như Instagram đều được các ca sỹ, diễn viên trên tuyên truyền những hình ảnh “đường lưỡi bò” và giương khẩu hiệu “Đây mới là Trung Quốc, một chút cũng không thể thiếu”.

Với sức ảnh hưởng đã lan ra toàn thế giới, chỉ cần một lời nói hay một hình ảnh của một trong các ngôi sao này được truyền đi, sẽ có hàng trăm, hàng triệu lượt người đón nhận.

Và người hâm mộ Việt Nam đương nhiên cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng ấy. Tức giận, phẫn nộ là tâm lý chung của khán giả  Việt Nam khi trông thấy những thông điệp bịa đặt trắng trợn trên, nhất là từ những ca sỹ, diễn viên họ từng yêu mến. 

Trong khi phần đông người hâm mộ thà quay lưng với thần tượng để bảo vệ tiếng nói chủ quyền đất nước thì một nữ biên tập viên thể thao có tiếng của một đài truyền hình lại hồn nhiên phát biểu bênh vực Triệu Vy bằng lý lẽ: “Chả có lý do gì để mình phải “anti” chị ấy chỉ vì một quan điểm chính trị cả”.

Buồn hơn, cô ấy lại là người có trình độ học thức và hiểu biết về văn hóa mà còn cư xử như vậy. Thế thì còn có thể nói gì được những cô gái, chàng trai hâm mộ thần tượng đến mù quáng, một mực bênh vực thần tượng của mình, bất chấp việc họ đã buông ra những lời lẽ vô lý và ngông cuồng.   

Với phần đông người Việt, ai từng chẳng một thời mê mệt những bộ phim Trung Quốc, hay tôn sùng những diễn viên, ca sỹ nổi tiếng của Trung Hoa. Có ai không từng xem đi xem lại Tây Du Ký mà không yêu quý nhân vật Tôn Ngộ Không, có cô bé nào lại không chầu chực trước màn hình ti vi để xem các tập phim Hoàn Châu Cách Cách…

Nhưng yêu quý nhân vật, trầm trồ trước những thước phim truyền hình hấp dẫn của Trung Hoa không đồng nghĩa với việc cổ súy từng lời nói của họ, quan điểm của họ.

Không cần biết do đâu hay ai xúi giục, những ngôi sao này đăng đàn phát biểu những tuyên ngôn nực cười về chủ quyền (sự việc này trước nay gần như không có), thì chính những người này đã dùng một thứ quyền lực đang nắm trong tay để lôi kéo những người hâm mộ vốn ngây thơ, cả tin. Và đương nhiên họ không đáng nhận được sự tôn trọng, ngưỡng mộ của chúng ta. 

Kyo York, ca sỹ người Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam thẳng thắn: “Khi những con người làm nghệ thuật đã lên tiếng xấc xược về chủ quyền thì việc ngưỡng mộ thần tượng của các bạn cũng nên xem lại. Vì chúng ta phải sống và giữ gìn bờ cõi chứ không thể sống để ca ngợi những nghệ sỹ Trung Quốc đang có tư duy muốn xâm hại chính lãnh thổ của dân tộc mình”.

Chính Kyo York đã từng từ chối làm đại diện hình ảnh cho một hãng hàng không và công ty du lịch để quảng bá các tour outbound sang Trung Quốc cho người Việt. Lý do đơn giản, dù là người nước ngoài, anh vẫn thấy mình có trách nhiệm bảo vệ, yêu mến và giữ gìn mọi giá trị của Việt Nam.

NSƯT Thành Lộc chia sẻ đã kiên quyết không nhận vai diễn trong một vở kịch của Trung Quốc, mặc dù trước đó anh đã thành công với vai diễn này.

Nguyên nhân là từ khi Trung Quốc tỏ thái độ ngông nghênh, bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông thì anh cảm thấy một nghệ sỹ Việt Nam như anh không có trách nhiệm phải tôn vinh văn hóa Trung Quốc, nhất là khi điều này làm tổn thương lòng tự trọng dân tộc của chính anh.

Quan điểm của Thành Lộc khá cứng rắn: “Các văn nghệ sỹ, các fan hâm mộ những “soái ca”, “tỉ tỉ”, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó... hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình… Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh”. 

Tỉnh táo trước “cơn bão văn hóa”, đó là điều mà mỗi người dân Việt phải làm vào thời điểm này. Nhất là khi lúc này Việt Nam đang có được sự ủng hộ rất lớn của thế giới sau tuyên bố của Tòa Trọng tài không công nhận đường lưỡi bò phi pháp. Vậy nên, dẫu có buồn, có thất vọng, có tan vỡ vì thần tượng thì cũng chung tay, đồng lòng vì quyền lợi của dân tộc và trước khi trở thành một người hâm mộ, thì chúng ta là phải là công dân Việt Nam yêu nước.