Tình đã cạn, tiền cũng vô nghĩa

ANTĐ - "Tôi giờ đây sống rất thanh thản. Tôi tự làm tự ăn và nuôi con thành người. Chồng không còn, tình nghĩa họ hàng cạn kiệt thì tiền bạc, gia sản với tôi đều vô nghĩa hết"- Chị cười buồn.

Đây là câu chuyện chuyên gia tư vấn ghi lại được từ một khách hàng. Chị đến gặp chúng tôi như thể để tìm người bạn, giúp cho chị chia sẻ tâm tư chất chứa trong lòng. "Mọi người bên nhà chồng lúc nào cũng nghĩ tôi nhìn ngó, chiếm đoạt tài sản của họ. Nhưng với tôi, một khi tình đã cạn, tiền bạc cũng vô nghĩa anh ạ"- chị nói.

Và chúng tôi xin mạn phép kể lại câu chuyện của chị, hy vọng rằng có thể thức tỉnh ai đó đã hoặc đang có ý định "đặt vật chất lên cao hơn tinh thần".

Chị lấy chồng cách đây 20 năm. Để có thể trụ lại nơi thành phố, anh và chị đã phải làm qua bao nhiêu nghề. Ngoài giờ làm việc nhà nước, về tới nhà là chị tất bật buôn bán thêm.

Còn anh làm chánh văn phòng, tiếng thì có nhưng lương lại ba cọc ba đồng. Đôi lúc cuộc sống cũng mệt mỏi nhưng điều khiến chị được an ủi là anh rất biết thương yêu vợ con. Ở bên ngoài làm sếp thế nào chị không biết chứ về tới nhà là anh xắn tay giúp đỡ chị. Anh còn bảo: Anh biết nhà mình được như hôm nay là nhờ phần lớn công sức của em.

Đúng là có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Có ở trong cuộc mới biết thực hư ra sao. Bao năm trời, chị là người kiếm tiền chính trong gia đình. Số tiền ấy không quá nhiều để biến gia đình chị trở nên giàu có nhưng cũng giúp anh chị từng bước vượt qua khó khăn. Được cái chị sống rất biết điều, không vì chút tiền mà lên mặt kể công với chồng, vênh vang với họ hàng.

Chồng chị là con cả. Dưới anh còn có một đàn em ở quê. Chị biết các anh em cũng khó khăn lắm nên giúp được gì là chị sẵn lòng. Để mọi người đỡ ngại, hơn thế còn giúp đề cao chồng, chị thường lùi về phía sau anh. Tiền của chị, công sức của chị nhưng với các em, chị lúc nào cũng bảo đó là của anh cho các em. Họ hàng ai cần nhờ gì, chị cũng nói để về hỏi ý kiến ông xã. Thực ra, sau đó, chị lại một mình đôn đáo lo liệu.

Năm đó, em út chồng chị lấy vợ rồi ngỏ ý muốn lên thành phố lập nghiệp. Vừa hay, chị biết có người bán mảnh đất ở ngoại thành, tuy hơi xa nhưng bù lại, rất phù hợp với nhu cầu của gia đình em trai. Vừa giới thiệu, biết là em gặp khó khăn, anh chị lại vừa đứng ra cho em trai vay chút tiền mua đất. Khoản tiền đó, chị đã phải vất vả chắt bóp mới có được. Nhưng chị nghĩ, vợ chồng chị bây giờ cũng đã an cư, tiền tiết kiệm chưa dùng đến thì cho em chồng vay, gọi là anh em giúp nhau. Người em lúc đó vui mừng khôn xiết cứ nhất nhất nắm tay chồng chị và hứa khi nào có tiền, sẽ trả lại anh chị ngay.

Hai đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống của anh chị cũng dần khấm khá khi xây được nhà mới. Với con người không quá coi trọng vật chất, rất biết thế nào là đủ như chị, mọi thứ có lẽ sẽ chẳng còn gì để không hài lòng nếu một sự kiện đau buồn không ập đến. Chồng chị bị đột quỵ qua đời. Anh mất nhanh tới mức không kịp nói một lời trăn trối với vợ con.

Chị gào khóc như điên dại vì đau đớn. Đầu óc trống rỗng. Hết 3 ngày, chị xin phép gia đình chồng trở lại thành phố. Em chồng khi chào chị còn nói thêm: Chị lên trước. Vài hôm nữa chúng em lên sẽ bàn tính sau. Lúc đó, chị không đủ tỉnh táo để hiểu rõ ý nghĩa câu nói của người em. Chị chỉ nghĩ, đó là câu chào bình thường.

Chị đã lầm. Chưa kịp qua 49 ngày chồng chị thì các em chồng đã kéo đến nhà, thăm chị và các cháu thì ít mà để chất vấn chị về tài sản của anh mình thì nhiều. Các em chị nói, hồi 

 anh đi lấy vợ, gia đình họ có cho anh chút tiền để làm vốn. Không biết số tiền đó bây giờ ra sao. Rồi trong quá trình sống, anh đã kiếm ra bao nhiêu tiền. Giờ, họ muốn chị nói rõ quan điểm về việc phân chia số tài sản ấy.

Chị ngớ người, sợ hãi. Chị không nghĩ những người đang ngồi nói chuyện với chị lại được gọi là thành viên trong một gia đình? Bao lâu nay, chị đã luôn nghĩ cho các em. Chị còn từng mỉm cười mãn nguyện vì cho rằng gia đình mình hòa thuận, coi trọng tình cảm chứ không như đâu đó, anh em đánh nhau vì tiền, vì của.

- Chị ạ. Em biết của chồng công vợ, nhưng lâu nay, công sức của anh chúng em đóng góp cho chị khá nhiều. Anh ấy cho chị thì nhiều chứ cho bố mẹ, anh em ruột là mấy đâu. Anh ấy là chồng chị nhưng cũng là anh trai của chúng em. Chẳng lẽ, chị không định chia cho chúng em chút nào sao?-Người em út nói.

- Chị cứ nói thật cho em biết, anh ấy để lại cho chị bao nhiêu tiền? Khi anh em còn sống thì chị là chị dâu. Nhưng, anh ấy chết rồi, chị có thể sẽ đi lấy chồng khác. Vậy thì chị không thể mang đi toàn bộ tiền của anh em kiếm ra được - Người em thứ thẳng thừng.

Thì ra, gia đình chồng chị cho rằng, khi anh họ mất đi thì quan hệ giữa chị và họ trước sau rồi cũng cạn. Vì thế, họ muốn "gỡ gạc" chút tài sản.

Ảnh minh họa

Chẳng biết nói gì hơn, chị chỉ ôm mặt khóc vì đau đớn. Bấy lâu, gia đình chồng chị vẫn nghĩ chị được nhờ chồng. Rằng con trai, anh trai họ mới là người kiếm ra tiền, không chỉ đủ nuối sống vợ con mà còn dư dả tới mức xây nhà cao, cửa đẹp. Dù chị có nói ra, có giải thích thế nào cũng không ai tin rằng chị một thời là trụ cột kinh tế. Họ chỉ biết anh họ là người cho họ tiền, giúp đỡ họ khi khó khăn. Và vì thế, họ chỉ biết ơn anh họ.

Không thể tìm ra lý do gì thuyết phục hơn để đòi chia nhà, chia tiền của chị, anh em họ bỏ về quê.

Nhưng, đổi lại, họ "trả thù" bằng cách kiên quyết không cho chị nhận phần đất của bố mẹ họ. Mảnh đất quê ấy trước kia không có giá, nhưng mấy năm gần đây, bỗng hóa thành tấc đất tấc vàng. Bố mẹ chồng chị từng có ý định sẽ chia đều đất cho các con gọi là thừa kế. Chồng chị chưa kịp nhận thì đột tử. Vậy là bây giờ, các em chồng chị tuyên bố, chị là "dâu hờ" thì không được quyền nhận đất nữa.

Một ngày, em chồng chị đột nhiên gõ cửa nhà chị. Thì ra anh ta vừa bán đất ở quê, bán nhà ở thành phố căn nhà xây trên mảnh đất mà chị đã cho vay tiền để mua năm nào. Giờ đây, anh ta đã có tiền tỉ trong tay nên có thể đổi sang nhà cao cấp hơn. Anh ta đến để trả chị số tiền đã vay năm xưa không thừa một đồng. Ngày trước, khoản tiền đó rất có giá trị. Nhưng nay, số tiền đó chẳng là gì. Em chồng chị lạnh tanh: Em có vay thì có trả. Sống ở trên đời là phải vậy. Em mong chị cũng sẽ sòng phẳng như thế. Cái gì của anh em thì chị sẽ tự nguyện trả lại cho anh em. Còn thực hư của nả đến đâu, chỉ mình chị hiểu. Từ nay em và chị không còn dính líu nữa.

Chị phá lên cười. Người mà chị từng gọi là em chồng ấy lại còn dạy chị về bài học làm người, về tình nghĩa nữa ư. Thế mà bấy lâu nay, chị cho anh ta vay tiền mà không hề tính toán thiệt hơn. Giờ, em chị dùng đúng số tiền đó để cắt đứt nghĩa tình với chị.

Với chị, tình đã cạn thì tiền bạc còn có nghĩa gì. Vì thế, không bao giờ chị thắc mắc hay đòi bố mẹ chia phần đất cho dù chị biết, các con chị cũng là cháu chắt của gia đình ấy. Lễ tết, chị vẫn cho con về quê trong sự cảnh giác của họ hàng. Mọi người sợ chị về để cố níu kéo tình cảm, hòng dính máu ăn phần tài sản của họ.

"Tôi giờ đây sống rất thanh thản. Tôi tự làm tự ăn và nuôi con thành người. Chồng  không còn, tình nghĩa họ hàng cạn kiệt thì tiền bạc, gia sản với tôi đều vô nghĩa hết"- Chị cười buồn.