Tính chiến đấu của người Đảng viên: Không chấp nhận dần mai một (3): Dám vì cái chung mà lên tiếng, phải phá vỡ “bức tường im lặng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, nhiều cán bộ, đảng viên, chuyên gia về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… đều cho rằng, phải bằng mọi cách nâng cao năng lực, sức chiến đấu của từng tổ chức Đảng, xuất phát từ mỗi người đảng viên. Đó chính là một trong những nội dung “xây để chống” cơ bản nhất, hiệu quả nhất để xây dựng tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Khắc phục ngay tình trạng ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”

“Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy; đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”. Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…”.

Một buổi sinh hoạt chi bộ điểm ở Đảng bộ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (ảnh minh họa)

Một buổi sinh hoạt chi bộ điểm ở Đảng bộ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (ảnh minh họa)

(Trích Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”)

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Không nâng cao sức chiến đấu, làm sao có thể phát hiện sớm sai phạm?

“Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như trong kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng đánh giá công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ của Đảng thời gian qua đạt rất nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và một trong các hạn chế, yếu kém chính là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên còn hạn chế. Cùng đó, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình, phê bình trong tổ chức Đảng còn yếu. Công tác quản lý, giám sát đảng viên cũng chưa chặt chẽ… Từ đó dẫn đến công tác đánh giá cán bộ chưa khách quan.

Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ vừa được công nhận, đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó lại bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố… cho thấy rõ ràng công tác đánh giá cán bộ có vấn đề. Tôi cho rằng, chúng ta phải thực hiện nghiêm các giải pháp đã nêu ra trong Kết luận 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; tập trung vào nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng, bởi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.

Nếu không nâng cao sức chiến đấu của từng đảng viên, từng tổ chức cơ sở Đảng thì tất yếu sẽ xảy ra tình trạng không sớm phát hiện được các sai phạm trong tổ chức Đảng đó, nhất là sai phạm của các đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Thực tế các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm, bao gồm cả các Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý vừa qua, đều chỉ được phát hiện khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tổ chức Đảng cấp trên vào cuộc. Lúc đó, mọi việc đã rồi, hậu quả là phải kỷ luật nguyên cả Ban Cán sự Đảng của một bộ, một tỉnh… Đó là bài học rất đau xót.

Nâng cao sức chiến đấu của cấp ủy các cấp, của cán bộ, đảng viên là điều phải luôn chú trọng. Mỗi chi bộ phải là một hạt nhân chính trị. Chi bộ phải giao nhiệm vụ, theo dõi, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của từng đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao sinh hoạt tại chi bộ đó. Điều quan trọng nữa, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, phải vượt qua chính mình, vượt qua cám dỗ và nỗi sợ ngại va chạm...”.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Cần cơ chế bảo vệ người đấu tranh, phê bình đúng

“Lâu nay, người ta vẫn nói câu chuyện đấu tranh thì “tránh đâu”. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính của việc nể nang, né tránh, “mũ ni che tai” là do áp lực về sự an toàn.

Nhiều người lo sợ những quyền lợi liên quan của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu bày tỏ quan điểm trái chiều hoặc sợ bị cô lập, bị quy kết về động cơ phê bình… nên chọn phương án “im lặng là vàng”. Để gỡ bỏ rào cản này, cần phải phát huy được dân chủ trong sinh hoạt Đảng, để cán bộ, đảng viên dám vì cái chung mà lên tiếng, dần phá vỡ “bức tường im lặng” đáng sợ kia đi.

Thực tiễn cho thấy, để phê bình và tự phê bình thực chất, hiệu quả, điều quyết định chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nguyên tắc dân chủ. Nếu không dân chủ thực chất, khi người đứng đầu có ý kiến gợi ý hoặc giới thiệu một cán bộ nào đó, thì rất ít cán bộ cấp dưới đủ bản lĩnh để đưa ra quan điểm khác với sếp.

Bên cạnh đó, cũng cần phải hoàn thiện các quy định để thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình ở các cấp, trong đó, cần có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh, phê bình đúng”.

Đồng chí Lê Trung Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội: Khuyến khích cán bộ, đảng viên dám bảo vệ cái đúng

“Từ tháng 6-2021, Đảng bộ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã ban hành Nghị quyết bảo vệ cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì sự nghiệp chung). Nghị quyết này khuyến khích cán bộ dám bảo vệ cái đúng; đồng thời là cơ sở để chúng tôi có thể bảo vệ các cán bộ thực hiện đúng “6 dám” đã nêu. Ở đây, phải hiểu chính xác là dám làm đúng, dám bảo vệ cái đúng.

Khuyến khích đảng viên dám nói, dám lên tiếng bảo vệ cái đúng là để tránh trường hợp lãnh đạo chỉ đạo sai mà anh em ở dưới vì ngại đụng chạm, không dám trái ý sếp, cứ nhắm mắt làm theo rồi cuối cùng là sai “cả dàn”. Khi có hẳn Nghị quyết như vậy, anh em sẽ không còn tình trạng ngại lãnh đạo, dù sai hay đúng cũng không dám lên tiếng. Đây là việc khó nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ chúng tôi đánh giá là cần phải làm sớm để bảo vệ cán bộ.

Ngược lại, đối với những cán bộ vẫn tiếp tục chây ỳ, không dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm… dù đã có nghị quyết thì chúng tôi sẽ có cách xử lý. Cụ thể, nếu cán bộ này ở vị trí lãnh đạo, sẽ không quy hoạch vào chức danh cao hơn. Bởi nếu anh đã không có ý chí quyết tâm phấn đấu thì làm sao có đủ tín nhiệm để giữ vị trí cao hơn. Thứ hai, đến kỳ bổ nhiệm, trường hợp này sẽ không được bổ nhiệm lại, tức là mời anh đứng sang một bên để nhường chỗ cho những người dám nghĩ, dám làm.

Hiện tại, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội triển khai Nghị quyết “6 dám” này. Tới đây, chúng tôi cũng mong muốn có văn bản cụ thể hóa hơn về cơ chế bảo vệ các cán bộ “6 dám” để các tổ chức Đảng cơ sở dễ nắm bắt, thực hiện”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Mai (Hà Nội): Nên lắng nghe những ý kiến phản biện, trái chiều

“Là Bí thư chi bộ, nếu trong cuộc họp chi bộ có những ý kiến phản biện, trái chiều thì chắc chắn tôi phải đặc biệt chăm chú lắng nghe. Nếu những quan điểm, ý kiến đó là đúng đắn, xác đáng thì mình phải tiếp thu và điều chỉnh. Trường hợp ý kiến đó xuất phát từ việc chưa hiểu đúng vấn đề hoặc thiếu thông tin thì chúng tôi sẽ giải trình, cung cấp thêm thông tin. Tinh thần chung là luôn đề cao sự phê bình thẳng thắn, mang tính xây dựng. Còn khi những vấn đề được nêu vượt quá thẩm quyền, chúng tôi chắc chắn phải xin ý kiến cấp trên để báo cáo lại với chi bộ sau. Tất cả nhằm hướng tới sự đồng thuận, làm sao để từng bước hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành nhà trường; nội bộ đoàn kết, gắn bó và cùng chung mục tiêu gìn giữ, phát triển ngôi trường.

Dưới góc độ một đảng viên, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ quan điểm của mình với các đồng chí trong chi bộ nhà trường và cũng khuyến khích mọi người cùng chia sẻ thẳng thắn. Nếu được đồng nghiệp góp ý đúng đắn, tôi nghĩ mỗi người đảng viên sẽ không ngại điều chỉnh bản thân để tự hoàn thiện mình, cùng hướng đến lợi ích chung của cả tập thể”.