Tình báo Mỹ, Hàn đã bị “bịt mắt” thế nào?

ANTĐ - Ngay sau khi truyền thông CHDCND Triều Tiên sáng 19-12 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Il, 69 tuổi, qua đời vì đột quỵ trước đó hai ngày, các cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc và Mỹ đã bị chỉ trích vì “hoàn toàn không biết gì” về sự kiện chấn động này.

Truyền thông đưa tin về cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong Il

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và các quan chức cao cấp nhất của nước này chỉ biết đến thông tin nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã qua đời nhờ... bản tin truyền hình sáng 19-12. Cùng thời điểm đó, tin này cũng được loan đi toàn thế giới. Còn các quan chức Mỹ thì đang đi nghỉ cuối tuần. Tình báo các nước Nhật Bản, Nga và Trung Quốc dường như cũng bất ngờ tương tự và đó có thể là điều an ủi cho Seoul, Washington. Nhưng vấn đề là các nước này không đổ nhiều tiền của bằng Hàn Quốc và Mỹ để nuôi một bộ máy chuyên theo dõi từng chuyển động của nhà lãnh đạo Kim Jong Il.

Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) hoàn toàn “mù tịt và điếc đặc” trước thông tin chính thức phát đi từ Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên rằng ông Kim Jong Il đã từ trần lúc 8h30 sáng 17-12 trên đoàn tàu bọc thép khi đang đi thị sát bên ngoài Thủ đô Bình Nhưỡng.

Giám đốc NIS  Won Sei-hoon giải trình trước Ủy ban Tình báo Quốc hội nước này hôm 20-12 rằng các báo cáo mà ông nhận được cho thấy đoàn tàu chuyên dụng của nhà lãnh đạo miền Bắc đã đỗ nguyên chỗ tại ga Bình Nhưỡng từ ngày 16 đến 19-12. “Chúng tôi đã có các bằng chứng là ảnh chụp từ vệ tinh do thám Mỹ. Đoàn tàu này không hề đi đâu cả. Chúng tôi đã theo dõi hành tung của ông Kim cho đến hôm 16-12 nhưng từ 16-12 thì mất dấu. Có dấu hiệu rằng ông ấy sẽ đi đâu đó vào sáng 17-12, ngày mà người ta nói là ông ấy mất nhưng sau đó mọi thứ vẫn yên ắng. Chúng tôi nghĩ có thể là do thời tiết xấu nên chuyến đi bị hoãn lại. Chúng tôi nghĩ là ông ấy đã mất ở nhà” - ông Won Sei-hoon nói.

Đoàn tàu của ông Kim có khoảng 20 toa, bị Mỹ và Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ bằng vệ tinh, tuy nhiên người ta không thể biết được liệu ông Kim Jong Il có mặt trên tàu hay không. Điều này cho thấy cách giải thích của lãnh đạo NIS càng chứng tỏ sự yếu kém của tình báo Hàn Quốc vì họ chỉ biết dựa vào một nhân tố thông tin không mấy tin cậy.

Hồi tháng 7-1994, các đặc vụ NIS cũng biết tin cố Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời nhờ xem... truyền hình Triều Tiên. Theo các ghi nhận chính thức trong vòng 34 tiếng đồng hồ từ lúc ông Kim Nhật Thành qua đời (vào lúc 2h sáng 8-7) đến khi kênh KRT phát đi tin buồn trưa hôm sau, các báo cáo của NIS cho Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc) đều có dòng chữ: “Không có biến động gì quan trọng”.

Trong khi đó, nhiều năm qua, máy bay do thám và vệ tinh Mỹ luôn theo dõi Triều Tiên. Các ăngten công nghệ cao được đặt dọc biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để thu thập những tín hiệu điện tử. Nhưng trong hai ngày 17 và 18-12, các báo cáo từ những đơn vị theo dõi Triều Tiên này đều ghi nhận “không có động thái gì đáng lo ngại hay các xáo trộn lớn”.

Tối 19-12, thông cáo từ văn phòng của Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết hai nước Mỹ và Nhật “quan tâm sâu sắc tới đời sống của nhân dân CHDCND Triều Tiên và bày tỏ sự cảm thông cũng như cầu nguyện cho họ trong thời điểm khó khăn này”. Những tuyên bố kiệm lời đó dường như là một phản ứng thể hiện rõ sự thiếu thông tin và lúng túng bởi hai quốc gia này không thể đưa ra được sự đánh giá gì về các kịch bản tiếp theo.

Bộ Ngoại giao Mỹ có lần đã giải thích rằng lý do họ không có được nhiều thông tin về Triều Tiên là do không có cơ quan đại diện ngoại giao ở Bình Nhưỡng để có thể tiếp cận các giới trong xã hội nước này. Cách lý giải này xem ra rất đúng và thể hiện rất rõ sự bất lực.

Cho tới nay Mỹ và Hàn Quốc vẫn dựa vào thông tin từ các đồng minh và những quốc gia có quan hệ tốt với Bình Nhưỡng để tìm hiểu về những gì đang xảy ra bên trong quốc gia khép kín này. Nhưng kiểu khai thác thông tin này xem ra cũng không hiệu quả.