[Tin nhanh tối 26-2-2021] Kế hoạch "giải cứu" hơn 3.400 người Việt từ nhiều vùng dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bản tin nhanh An ninh đời sống tối 26-2-2021 gồm các nội dung chính sau: Kế hoạch "giải cứu" hơn 3.400 người Việt từ nhiều vùng dịch Covid-19; Người tham gia chống Covid-19 được ưu tiên tiêm vaccine; Mở lại phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm; Ít nhất 17 người thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ ở Syria; Vợ trùm ma túy El Chapo tự nộp mình; Nhật Bản hỗ trợ gần 3 triệu USD giám sát nước sông Mekong.

Sau đây là nội dung chi tiết:

* Kế hoạch "giải cứu" hơn 3.400 người Việt từ nhiều vùng dịch Covid-19

Cục Hàng không Việt Nam vừa tiếp nhận văn bản từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về việc thực hiện các chuyến bay hỗ trợ đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Dự kiến, từ ngày 5-3 đến 14-3-2021 sẽ có 13 chuyến bay hỗ trợ đưa công dân Việt Nam từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Singapore, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, UAE, Đức, Hàn Quốc và Nga. Số lượng hành khách mỗi chuyến nhiều nhất dự kiến là 355 hành khách.

Hình ảnh 1 chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam khỏi các vùng dịch Covid

Hình ảnh 1 chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam khỏi các vùng dịch Covid

Hiện chưa có thông tin về hãng hàng không đứng ra thực hiện những chuyến bay này. Cục Lãnh sự Việt Nam đề nghị Cục Hàng không Việt Nam trao đổi, làm việc với các hãng hàng không xây dựng chương trình, lịch bay cụ thể theo kế hoạch nói trên và thông báo cho công dân ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các hãng hàng không phục vụ cho từng chuyến bay cần sớm thông báo dự kiến giá vé, tiêu chuẩn hành lý, cách thức thành toán… cho Cục Lãnh sự và cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài để kịp thời thông tin cho công dân.

* Người tham gia chống Covid-19 được ưu tiên tiêm vaccine

Ngày 26-2, Chính phủ ban hành Nghị quyết, nêu rõ Bộ Y tế chủ trì việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine Covid-19 năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Việt Nam dự tính mua 150 triệu liều vaccine; Bộ Y tế căn cứ vào yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.

Những người được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 và miễn phí gồm lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như người làm việc tại cơ sở y tế; thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; người làm việc trong khu cách ly, truy vết, điều tra dich tễ; tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên; quân đội, công an.

Tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm giai đoạn II vaccine Nanocovax tại Hà Nội, sáng 26-2
Tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm giai đoạn II vaccine Nanocovax tại Hà Nội, sáng 26-2

Ngoài ra, những người được ưu tiên tiêm vaccine còn có nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; các trường hợp khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Về địa bàn, Chính phủ đề nghị ưu tiên tiêm trước cho những người nêu trên ở các tỉnh, thành đang có dịch; trong các địa phương ưu tiên tiêm trước cho những người ở vùng đang có dịch.

* Mở lại phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm

Dự kiến, từ ngày 8-3-2021, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.

HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Ba kiểm sát viên của Viện KSND Tối cao được biệt phái về Viện KSND TP Hà Nội và một kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Bị cáo Đinh La Thăng được dẫn giải đến tòa hôm 22-1-2021 (Ảnh: Báo Dân Trí)
Bị cáo Đinh La Thăng được dẫn giải đến tòa hôm 22-1-2021 (Ảnh: Báo Dân Trí)

Vụ án có tổng số 12 bị cáo. Trong đó, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng cùng 9 bị cáo khác bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Riêng bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) bị truy tố về cả 2 tội danh trên.

* Ít nhất 17 người thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ ở Syria

Hãng tin AFP dẫn lời tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) đưa tin, ít nhất 17 người đã thiệt mạng trong vụ không kích ngày 25-2 của Mỹ nhằm vào các nhóm dân quân nghi thân Iran trên lãnh thổ Syria.

Lầu Năm Góc đã xác nhận các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở ở phía đông Syria, nhằm đáp trả 3 vụ rocket nã vào các mục tiêu có sự hiện diện của quân nhân và công ty Mỹ tại Iraq từ giữa tháng 2-2021. Mỹ đã cáo buộc các nhóm vũ trang thân Iran đứng sau các vụ việc.

Tiêm kích F-15E Strike Eagles của Mỹ
Tiêm kích F-15E Strike Eagles của Mỹ

Theo Lầu Năm Góc, các tiêm kích Mỹ đã thả 7 quả bom nặng 227 kg, đánh vào 7 mục tiêu, bao gồm một lối đi được các nhóm vũ trang sử dụng để chuyển vũ khí qua biên giới.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc mô tả động thái quân sự của Mỹ là "tương xứng", phối hợp với các biện pháp ngoại giao và được thực hiện với sự tham vấn của các đối tác liên minh. Đây cũng là vụ không kích đầu tiên Mỹ thực hiện dưới thời Tổng thống Biden, người mới nhậm chức hơn 1 tháng trước.

* Vợ trùm ma túy El Chapo tự nộp mình

Các nguồn thạo tin hôm 25-2 tiết lộ, Emma Coronel Aispuro hôm 22-2 đã đầu thú với các đặc vụ tại sân bay Dulles, ở Bắc Virginia, cho thấy cô dường như sẵn sàng hợp tác với chính quyền liên bang Mỹ.

Sau khi bị giới chức Mỹ bắt, Emma Aispuro, 31 tuổi, vợ trùm ma túy Mexico Joaquin "El Chapo" Guzman, bị cáo buộc âm mưu vận chuyển cocaine, ma túy đá, heroin và cần sa vào Mỹ. "Nữ hoàng sắc đẹp" cũng đối mặt tội danh tiếp tay cho vụ đào thoát tinh vi của El Chapo khỏi một nhà tù Mexico vào năm 2015. Cuộc đào thoát năm đó thành công, nhưng Guzman bị bắt lại vào năm 2016. Trùm ma túy Mexico hiện thụ án chung thân trong nhà tù liên bang ADX ở Florence, bang Colorado, cơ sở giam giữ nghiêm ngặt bậc nhất của Mỹ.

Emma Coronel Aispuro đến tòa tại New York tháng 1-2019
Emma Coronel Aispuro đến tòa tại New York tháng 1-2019

Aispuro, công dân mang hai dòng máu Mỹ - Mexico, kết hôn với Guzman, 63 tuổi, năm 2007 và có hai con gái sinh đôi 10 tuổi.

Các công tố viên liên bang ở Washington, nơi Aispuro bị buộc tội, hiện chưa bình luận về thông tin. Jeffrey Lichtman, luật sư của Aispuro, cũng từ chối bình luận về thông tin trên.

* Nhật Bản hỗ trợ gần 3 triệu USD giám sát nước sông Mekong

Nhật Bản sẽ cấp 2,9 triệu USD giúp Ủy hội sông Mekong (MRC) thực hiện kế hoạch chiến lược để giám sát và thích ứng với thay đổi mực nước sông, nhằm giúp giải quyết những thách thức mà khu vực này đang đối mặt trong hiện tại và tương lai.

Số tiền này sẽ được giải ngân trong giai đoạn 2021-2024, giúp MRC và các nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan tăng cường khả năng giám sát và đánh giá môi trường sông Mekong, cũng như thích ứng với các thay đổi thực tế.

Sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Thái Lan và Lào
Sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Thái Lan và Lào

Những hoạt động được cấp vốn gồm cải thiện mạng lưới giám sát sông và năng lực dự báo, cũng như xây dựng thêm các trung tâm theo dõi mới dọc sông Mekong. Khoản tiền cũng giúp ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm cung cấp thông tin về lũ lụt và hạn hán, bảo đảm các chính phủ và cộng đồng kịp thời tiếp nhận thông tin để thực hiện những biện pháp ứng phó phù hợp.

Nhật Bản năm ngoái cũng cấp khoản tiền 3,9 triệu USD để tăng cường mạng lưới dự báo lũ lụt và hạn hán của MRC. Nước này đã đóng góp tổng cộng 21 triệu USD kể từ năm 2001 để hỗ trợ quản lý thiên tai, thủy lợi, biến đổi khí hậu và điều tiết môi trường dọc sông Mekong.