Tín hiệu tích cực từ đàm phán Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù có những đánh giá khác nhau và cần thêm thời gian để kiểm chứng, song cuộc đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại quốc gia “trung gian hòa giải” Thổ Nhĩ Kỳ mang lại những tín hiệu tích cực về việc hai quốc gia đang tham chiến này có thể tìm kiếm được một giải pháp hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột mang lại tổn thất nặng nề cho cả hai phía.

Lập trường của Nga và Ukraine đang xích lại gần nhau

Khác với những vòng đàm phán trước đó, các nhà đàm phán Nga và Ukraine bước ra khỏi căn phòng thương thảo tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ chiều 29-3 với những phát biểu tích cực hơn. Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky, Trưởng phái đoàn Nga tham gia hòa đàm, cho biết kết quả cuộc đàm phán với Ukraine diễn ra cùng ngày tại thành phố Istanbul “mang tính xây dựng”.

Đàm phán Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ tiến triển tích cực mở ra hy vọng chấm dứt xung đột

Đàm phán Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ tiến triển tích cực mở ra hy vọng chấm dứt xung đột

Ông Vladimir Medinsky cho biết thêm, phái đoàn Nga tại Istanbul đã nhận được đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một thỏa thuận giữa các bên “được xây dựng một cách rõ ràng”. Matxcơva sẽ xem xét các đề xuất của Kiev trong thời gian tới, báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin và sau đó sẽ đưa ra câu trả lời.

Trưởng đoàn đàm phán Nga không nói rõ hơn về những đề xuất mà phía Ukraine đặt lên bàn đàm phán tại Istanbul, song giới truyền thông quốc tế đã đưa khá chi tiết về một loạt đề xuất mà các nhà đàm phán Ukraine đưa ra về giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn một tháng qua, bao gồm cả việc từ bỏ tham vọng gia nhập NATO của Kiev. Đổi lại Ukraine muốn có các bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc về mặt pháp lý từ Mỹ và các nước phương Tây, điều mà theo Kiev cho là sẽ tương đương hoặc tốt hơn so với đảm bảo an ninh tập thể của NATO với các thành viên của liên minh này.

Ông David Arakhamia, thành viên Đoàn đàm phán Ukraine, cho biết, Kiev muốn có một cơ chế quốc tế về đảm bảo an ninh, trong đó các nước đứng ra bảo đảm sẽ hành động theo cách tương tự như Điều 5 trong Hiến chương NATO và thậm chí còn chắc chắn hơn. Kiev cũng nêu đích danh các quốc gia bảo đảm là Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh - là 4 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; cùng với Canada, Đức, Israel, Italy, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trừ Trung Quốc và Israel, những quốc gia vừa đề cập đều là thành viên của NATO.

Nếu được những đảm bảo an ninh, Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và trở nên trung lập, sẽ không tham gia “bất kỳ liên minh chính trị - quân sự nào”. Đồng thời, Kiev cũng không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Kiev cho rằng, hiệp ước quốc tế về an ninh của Ukraine không cản trở khả năng nước này trở thành thành viên EU, thậm chí Kiev còn muốn các nước bảo đảm an ninh cam kết hỗ trợ quá trình Ukraine gia nhập EU.

Về vấn đề được cho là khó khăn nhất là toàn vẹn lãnh thổ, Ukraine đề xuất tạm gác sang một bên những câu hỏi về Crimea và những vùng lãnh thổ ly khai ở khu vực Donbass. Ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết Kiev đề xuất những cuộc đàm phán kéo dài hơn 15 năm để giải quyết tình trạng của bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ thuộc Ukraine mà Nga sáp nhập năm 2014.

Hướng tới một hội nghị đa phương để ký thỏa ước

Nhìn vào yêu cầu được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” tại Ukraine, đồng thời Kiev phải công nhận độc lập cho vùng ly khai ở Donbass và thừa nhận chủ quyền Nga tại bán đảo Crimea, có thể thấy có sự xích lại gần nhau hơn lập trường giữa Matxcơva và Kiev. Trong một tín hiệu tích cực khác là phía Nga tuyên bố giảm các hoạt động quân sự ở miền Bắc Ukraine, trong đó có khu vực quanh Thủ đô Kiev.

Hiện những đề xuất mới nhất mà hai Đoàn đàm phán Nga và Ukraine đưa ra tại Istanbul đang được lãnh đạo cấp cao hai nước xem xét. Trưởng Đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết, Matxcơva “đang thực hiện hai bước đối với Kiev” và đề xuất tổ chức cuộc gặp của Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Vladimir Zelensky sớm hơn dự định đồng thời với việc ký kết hiệp ước hòa bình ở cấp bộ ngoại giao.

Có thể thấy những tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại quốc gia “trung gian hòa giải” Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra hy vọng về việc sớm chấm dứt chiến sự nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang đang gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Tín hiệu tích cực khác còn đến từ thị trường thế giới, nhất là thị trường dầu mỏ và thị trường chứng khoán thế giới. Trong khi giá dầu thế giới chốt phiên cùng ngày 29-3 giảm khá mạnh thì các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới đều tăng điểm.

Thế nhưng, khá bất ngờ là ngay lúc này lại thấy xuất hiện những ý kiến, quan điểm hoài nghi, không lạc quan, thậm chí phản ứng tiêu cực từ phương Tây về kết quả và triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine. Phát biểu sau cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức và Italy về kết quả vòng đàm giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra hoài nghi cho rằng, cần chờ xem “các động thái tiếp theo của Nga và Ukraine”. Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố, lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy cũng nhất trí chưa dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế đối với Nga và sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab trong phát biểu ngày 30-3 cho biết, nước này sẽ “rất thận trọng với bất kỳ lời hứa nào của Nga về vấn đề Ukraine” và London sẽ phản ứng dựa trên “hành động của Matxcơva chứ không phải lời nói”. “Chúng tôi có cái nhìn rất hoài nghi về bất cứ điều gì Matxcơva đưa ra” - ông Dominic Raab nói.

Về việc Nga thu hẹp quy mô của các hoạt động quân sự ở miền Bắc Ukraine, trong đó có Thủ đô Kiev, Lầu Năm Góc dù thừa nhận lực lượng Nga đã bắt đầu di chuyển, nhưng cho rằng chỉ là lượng rất nhỏ quân khỏi các vị trí xung quanh Kiev trong một động thái mang tính chất tái bố trí hơn là hành động rút quân thực sự. Lầu Năm Góc cũng cho rằng, Nga “đang thay đổi chiến thuật” và “không nên nhầm lẫn là Nga sẽ chấm dứt cuộc xung đột” ở Ukraine.

Thế nhưng, bất chấp những cái nhìn hoài nghi, đánh giá tiêu cực từ phương Tây, ông Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đứng ra tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine, nhận định rằng vòng đàm phán tại Istanbul đã đánh dấu tiến triển đáng kể nhất tính tới thời điểm này. Ông Mevlut Cavusoglu nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh Nga và Ukraine đạt được thỏa hiệp và một nhận thức chung về các vấn đề cụ thể, đồng thời tuyên bố cuộc chiến phải chấm dứt sớm nhất có thể.

Ông Oleksandr Chaly, thành viên của Đoàn đàm phán Ukraine, cho biết các cuộc đàm phán với Nga sẽ tiếp tục trong hai tuần tới. Hiện, các bên đã bắt đầu tham vấn với các nước bảo lãnh, với khả năng các nước này cử đại diện tham dự những cuộc đàm phán tiếp theo. Sau khi các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đạt được “thỏa thuận cuối cùng”, một hội nghị đa phương sẽ được tổ chức để chính thức ký kết.