Động lực của cầu thủ ngoại khi sang Việt Nam:

Tiền là trên hết

ANTĐ - Trào lưu nhập tịch cho cầu thủ ngoại để bớt suất ngoại binh trong đội hình vẫn đang phổ biến trong bóng đá Việt Nam. Tuy vậy, quốc tịch Việt Nam đối với họ dường như chỉ có giá trị trên sân bóng.

Đinh Hoàng La khiến không ít người chạnh lòng khi nhập tịch Việt Nam chỉ để kiếm tiền

ẢNH: QUANG THẮNG

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng nhấn mạnh vào yếu tố “bản sắc” và màu cờ sắc áo của ngoại binh khi khoác áo ĐTVN. Ngay cả khi họ vẫn nói rằng “giấc mơ” của họ là được chơi bóng cho đội tuyển quê hương thứ 2 của mình đi nữa, vẫn là điều gì đó khó tin và không thực tế. Trở lại với nguồn gốc của câu chuyện nhập tịch, xuất phát từ nhu cầu của các đội bóng, những cầu thủ ngoại khi hội tụ các tiêu chuẩn cần thiết được ưu đãi đưa vào danh sách “nội hóa”. Khi có ngoại binh nhập tịch trong đội hình, các CLB như “hổ mọc thêm cánh” nhờ lách được quy định, tung ra sân nhiều “tây” hơn so với các đối thủ.

Với sự khắc nghiệt của bóng đá Việt Nam hiện nay, quan niệm “yếu trâu còn hơn khỏe bò” khiến cho lượng ngoại binh (có chất lượng) bị “vắt sạch”, càng nhiều càng tốt trong danh sách trở thành nội binh. Vấn đề là ở chỗ, nắm được điều này, các ngoại binh rỉ tai nhau để thống nhất đưa ra những đòi hỏi về mặt tiền bạc. Tất nhiên, với những ông chủ chịu chơi, điều này là không thành vấn đề, và nó giải thích vì sao rất nhiều ngoại binh nhập tịch ở các CLB hiện nay có chế độ đãi ngộ đặc biệt, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Điển hình trong số này có Huỳnh Kesley (SG FC) hay Nguyễn Hoàng Helio (Bình Dương). Phan Lê Issac (CLB trẻ bóng đá Hà Nội) thẳng thắn nói: “Từ khi luật pháp Việt Nam cho phép sở hữu hai quốc tịch cùng lúc thì chẳng còn gì khó khăn nữa. Trước đây, Fabio Santos còn phải đắn đo nhiều vì phải hủy hộ chiếu Brazil mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Bây giờ, chỉ cần CLB đồng ý chi tiền là xong!”.

Còn nhớ, trường hợp của Đinh Hoàng La cũng từng khiến không ít người yêu mến anh phải chạnh lòng. Khi được gọi lên đội tuyển cách đây 3 năm, Hoàng La liên tục nói về khát khao cống hiến cũng như tình yêu trong sáng với đất nước mà anh coi là quê hương thứ 2. Nhưng trong vụ thanh lý hợp đồng với Ninh Bình, nhiều chi tiết mới lòi ra, đặc biệt là việc đội bóng cố đô Hoa Lư đã phải chi rất nhiều để “lót tay” cho việc Hoàng La đồng ý trở thành người Việt Nam (!). Thế mới có cảnh nhiều ngoại binh dù đã nhập tịch từ lâu, nhưng chẳng thể nói nổi một câu tiếng Việt ra hồn, không ăn nổi cơm Việt chứ chưa nói đến việc am hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Với họ, tấm hộ chiếu Việt Nam gần như chỉ có giá trị sử dụng trên sân bóng, để phục vụ cho mục tiêu lớn nhất và duy nhất: kiếm tiền. Timothy, tiền đạo nhiều năm tung hoành trên các sân cỏ Việt thẳng thắn thừa nhận: “Bóng đá là để kiếm tiền cơ mà. Tôi chưa hề nghĩ đến việc trở thành công dân Việt Nam, nhưng sẽ suy nghĩ nghiêm túc nếu như CLB trả tiền một cách xứng đáng”.