Tiền gửi sụt giảm, ngân hàng tăng phát hành trái phiếu và vay mượn lẫn nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiền gửi khách hàng tại nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm trong khi giao dịch trên thị trường liên ngân hàng lại không ngừng tăng, các ngân hàng cũng tăng cường phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Nhiều ngân hàng sụt giảm tiền gửi khách hàng

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm đáng kể. Đơn cử như tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 4,4% trong nửa đầu năm xuống còn 68.904 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay khách hàng vẫn tăng gần 4% lên 41.740 tỷ đồng.

Hay tại tại Ngân hàng An Bình (ABBank), số dư tiền gửi khách hàng tại ngày 30/6 là 67.136 tỷ đồng, giảm hơn 5.300 tỷ so với đầu năm, tương đương giảm tới 7,4%. Trong dó, tiền gửi có kỳ hạn giảm 4.500 tỷ xuống còn 54.580 tỷ đồng.

Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của ABBank vẫn tăng 5,9% trong nửa đầu năm, đạt trên 67.000 tỷ đồng. Điều này đã khiến tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi tại ABBank tăng lên đến gần 100% cao hơn nhiêu so với tỷ lệ tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 85%.

SeABank tiền gửi khách hàng cũng giảm 4,7%, xuống còn 5.293 tỷ đồng tiền gửi ghi nhận giảm trong những tháng đầu năm nay, tương đương giảm 4,7%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm tới gần 28,6%, tiền gửi có kỳ hạn giảm 2%. Ngược lại, cho vay tại ngân hàng này vẫn tăng khoảng 2,5%.

Tương tự, Viet Capital Bank cũng ghi nhận tiền gửi giảm 3,6%, trong khi tín dụng tăng mạnh gần 11%; Saigonbank giảm 0,3%, PGBank giảm 0,2%.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm, tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 2,9%, đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng; trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 3,3%.

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang có xu hướng chậm lại

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang có xu hướng chậm lại

Như vậy, so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn rõ rệt và thấp hơn so với con số tăng trưởng tín dụng khi 5 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 5%, đạt 9,6 triệu tỷ đồng.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng hơn 3%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt gần 5,5%.

Ngân hàng tìm đến các nguồn vốn giá rẻ khác

Những con số trên cho thấy dòng tiền nhàn rỗi đang có xu hướng rời khỏi ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động đang xuống thấp trong khi lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản có những thời điểm rất cao.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho biết do thanh khoản dồi dào nên đã chủ động giảm huy động vốn. Thay vào đó, các ngân hàng tìm đến các kênh vốn có lãi suất thấp hơn hoặc kỳ hạn dài hơn, như trên thị trường liên ngân hàng hoặc thông qua phát hành trái phiếu.

Thống kê của NHNN cho thấy, trong tuần từ 12 đến 16/7, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 727.848 tỷ đồng, bình quân 145.570 tỷ đồng/ngày, tăng 1.660 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần cũng đạt khoảng 162.494 tỷ đồng, bình quân 32.499 tỷ đồng/ngày, tăng 3.147 tỷ đồng/ngày so với tuần trước.

Lãi suất trên thị trường này cũng đang ở mức tương đối thấp, bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm và 01 tuần giữ các mức lần lượt là 0,93%/năm và 1,14%/năm, kì hạn 1 tháng mức 1,46%/năm.

Trong khi đó, với kênh phát hành trái phiếu, các ngân hàng thương mại cũng là chủ thể phát hành trái phiếu lớn nhất trong quý 2/2021 với 67 nghìn tỷ trong tổng số 164 nghìn tỷ đồng toàn thị trường. Như vậy, tổng phát hành trái phiếu các ngân hàng đã tăng 41% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng lượng phát hành.

Tính chung nửa đầu năm 2021, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đạt 68,2 nghìn tỷ đồng – chiếm 32,7% thị trường. Kỳ hạn bình quân là 3,37 năm và lãi suất bình quân 4,3%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động trên thị trường.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng thương mại chủ yếu là bán chéo trái phiếu cho nhau. Trong số 68,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu do 15 ngân hàng phát hành thì các ngân hàng thương mại cũng là chủ thể mua lượng lớn số trái phiếu này (17,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 26%).

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, áp lực huy động vốn có thể tăng tại một số ngân hàng khi tín dụng tăng do yếu tố mùa vụ. Do đó, lãi suất huy động cũng có thể nhích nhẹ , tuy nhiên do NHNN duy trì định hướng mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp nên mức tăng sẽ là không đáng kể.