Thực sự "cởi trói" chứ không chỉ "làm cho có"

ANTD.VN - Sau nhiều lần kiến nghị, cuối cùng,  các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thực sự thở phào khi Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyde, amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may chính thức được bãi bỏ. 

Lý do là suốt 7 năm qua, thủ tục này đã khiến các doanh nghiệp tốn kém cả thời gian, tiền bạc, dẫn đến giảm đáng kể sức cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận các cơ hội kinh doanh. Theo tính toán, chỉ 1 doanh nghiệp cỡ nhỏ mỗi năm cũng đã mất tới 1 tỷ đồng chi phí cho thủ tục kiểm tra này, nhân lên với khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may thì thấy rõ khoản tốn kém khổng lồ, trong khi tỉ lệ phát hiện vi phạm chưa đầy 1%.

Dù còn chậm trễ, song quyết định trên đã thể hiện rõ quyết tâm của Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, thực chất chứ không phải “làm cho có”. Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong muốn một số quy định khác đang gây vướng cho doanh nghiệp sẽ được Bộ này sớm tháo gỡ như thủ tục khai báo hóa chất, dán nhãn năng lượng…

Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua, Bộ đã lắng nghe các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp về thủ tục chính sách. Bộ đã và sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để tháo gỡ những thủ tục, rào cản đang bị coi là “trói” doanh nghiệp. 

Động thái của một bộ nắm giữ nhiều thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp nhất đã khiến cho cộng đồng này thêm kỳ vọng vào việc sẽ có được một môi trường thông thoáng để phát triển.

Hiện nay, không chỉ Bộ Công Thương mà hầu hết các bộ ngành còn mang nặng tư duy quản lý hơn là phục vụ. Vì vậy, họ đặt ra những quy định đẩy phần khó về phía doanh nghiệp, mà điển hình nhất là những quy định khắt khe về tiền kiểm trong khi lại buông lỏng khâu hậu kiểm.

Điều đó không chỉ gây khó khăn, tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức cho doanh nghiệp mà còn tạo ra cơ chế xin - cho,  dẫn đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trên giấy tờ nhưng chất lượng không được giám sát.

Vì vậy, theo kiến nghị của các chuyên gia, rất cần phải thay đổi tư duy quản lý, cần bỏ bớt những quy định tiền kiểm để tạo môi trường hoạt động thông thoáng, thuận lợi hơn, đồng thời xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn giám sát hoạt động của doanh nghiệp. 

Có thể thấy rõ, thời gian gần đây, các bộ, ngành đã có những thay đổi tích cực trong cụ thể hóa phương châm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hồi tháng 4 về việc tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng, tạo thuận lợi tối đa để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cam kết về một Nhà nước kiến tạo của Thủ tướng, không còn cách nào khác, phải đi vào thực tiễn, mang tính thiết thực, giúp “cởi trói” để doanh nghiệp có thể lớn mạnh, đủ sức vươn ra quốc tế.