Thực phẩm biến đổi gene: Phát kiến vĩ đại hay thảm hoạ công nghệ?

ANTĐ - Những lo ngại về tác động tiêu cực tới sức khoẻ con người: gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, tạo ra độc tố, gây độc lâu dài cho cơ thể... đã khiến giới khoa học dấy lên làn sóng tranh cãi...

Những lo ngại về tác động tiêu cực tới sức khoẻ con người: gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, tạo ra độc tố, gây độc lâu dài cho cơ thể... đã khiến giới khoa học dấy lên làn sóng tranh cãi, có nên phát triển thực phẩm biến đổi gene ở Việt Nam hay không. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ sản xuất ngô biến đổi gene trên diện rộng vào năm 2012. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam nhập trên 2 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1,6 triệu tấn ngô, trong đó lượng lớn là sản phẩm biến đổi gene. Thực chất, thực phẩm biến đổi gene có phải là “cây đũa thần” giúp các nước đối phó lại tình trạng đói nghèo, thiếu lương thực hay chỉ là loại công nghệ mới đầy rủi ro?

Phát kiến vĩ đại trong công nghệ sinh học

Cây trồng biến đổi gene (GMC) là phát kiến vĩ đại trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tới nay, 29 quốc gia trên thế giới đã trồng cây biến đổi gene, trong đó có 8 nước thuộc EU là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tiệp Khắc, Ba Lan, Rumani, Đức và Slovakia. Tổng diện tích GMC trên thế giới năm 2010 là 148 triệu ha, trong đó 3 cây trồng chủ đạo là đậu tương (73,3 triệu ha), ngô (46,8 triệu ha), bông vải (21 triệu ha). Ở châu Á cũng có 4 nước đã triển khai GMC là Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Myanmar. Ngoài 29 nước trồng cây biến đổi gene, trên thế giới còn có 30 nước khác chấp nhận GMC như nguồn thực phẩm chính cho người và vật nuôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học quốc tế cũng chưa thống nhất được, có nên phát triển GMC hay không. Những lợi ích về gia tăng sản lượng, năng suất, khả năng kháng sâu bệnh cao, chống chịu ngoại cảnh bất lợi... của GMC là điều rõ ràng. Song những nguy cơ rủi ro tiềm tàng đối với sức khoẻ con người, động vật và đa dạng sinh học, cũng khiến cho các quốc gia cần phải cân nhắc.

“Cây đũa thần” hay công nghệ đầy rủi ro?

Qua những thử nghiệm trên chuột, sản phẩm từ GMC đưa vào sử dụng cho chăn nuôi gia súc, làm thực phẩm cho người đến nay bắt đầu hé lộ những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến một số bệnh gây tổn thương trong dạ dày, ảnh hưởng đến tỷ lệ vô sinh, cân nặng và sức khoẻ của thế hệ sau, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện một số bệnh ung thư ở người... Không chỉ vậy, phát triển GMC sẽ khiến người nông dân ngày càng lệ thuộc vào các công ty giống với chi phí vô cùng đắt đỏ, đồng thời làm cho đa dạng sinh học bị phá vỡ, do mở rộng diện tích GMC sẽ phải thu hẹp diện tích cây trồng truyền thống. Thế giới cũng đã có quốc gia trả giá vì GMC. Do cả tin vào những lời hứa hẹn về những vụ mùa bội thu ngoài sức tưởng tượng, hàng triệu nông dân Ấn Độ đã chuyển sang trồng giống GMC. Họ đã vay tiền để mua hạt giống với giá cắt cổ để rồi mùa màng bị thất bát lớn, bị đẩy vào vòng xoáy nợ nần, dẫn tới làn sóng tự tử tràn lan ở Ấn Độ. Nghiên cứu ở Maharashtra (Ấn Độ) mới đây đã kết luận rằng, nợ nần liên quan đến cây trồng biến đổi gene là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ tự tử của nông dân. Những vùng có diện tích bông biến đổi gene Bt cao nhất Ấn Độ như Nagpur, Amravati và Wardha của bang Vidharbha cũng là vùng có tỷ lệ nông dân tự tử nhiều nhất (4000 người/năm).

Việt Nam chưa cần thiết phát triển GMC?

Nhiều quốc gia tin tưởng rằng GMC sẽ là “đôi đũa thần” giúp các nước đối phó lại tình trạng đói nghèo, thiếu lương thực. Thực tế, các quốc gia thường xuyên thiếu lương thực (châu Phi) thì phát triển GMC là cần thiết. Nhưng với các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), nguồn lương thực từ các giống cây truyền thống phong phú, lại chưa đủ khả năng đánh giá an toàn sinh học của cây trồng GMC một cách khoa học, thì việc phát triển GMC cần phải xem xét thận trọng. GS. TS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Tổng thư ký Hội vi sinh vật học Việt Nam ủng hộ việc phát triển GMC: “350 triệu người trên thế giới hiện nay đang sử dụng thực phẩm từ GMC. 50 năm nữa, dân số thế giới sẽ vượt quá 12 tỉ người, làm sao để đáp ứng được nhu cầu lương thực là một bài toán lớn. Dù muốn hay không Việt Nam vẫn đang phải sử dụng sản phẩm biến đổi gene thông qua hàng hoá nhập khẩu. Là nước nông nghiệp, trên 70% là nông dân, Việt Nam cần phải tiếp cận GMC như một lẽ tất yếu. Vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam cần lựa chọn con đường tiếp cận như thế nào cho phù hợp, vì thực tế trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất thấp. Nếu bắt buộc phải phát triển GMC, Việt Nam nên chọn lựa giống cây trồng thử nghiệm phù hợp. Nhóm lương thực chính: lúa, đỗ tương, ngô, bông, củ cải, cà chua, khoai tây... không nên chuyển gene. Chỉ nên chuyển gene một số loại cây công nghiệp, cây lấy gỗ để hạn chế tác động tiêu cực tới sức khoẻ con người”.

Việc trồng ngô GMC có thể giúp Việt Nam hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm được nửa triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều cho rằng, ngô là cây lương thực chủ đạo ở Việt Nam, không nên chuyển gene. Hiện tại, hàng năm Việt Nam trồng khoảng 1 triệu ha ngô, cho sản lượng 4,4 triệu tấn, và phải nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn. Giả sử ngô GMC được trồng thay thế trên 50% diện tích ngô truyền thống, thì muốn thay thế nhập khẩu, năng suất của ngô GMC phải cao gấp ít nhất 2 lần. Trong khi thực tế, khảo nghiệm trên giống ngô chuyển gene 30Y87H được trồng ở Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Nghệ An, Đồng Nai, năng suất của ngô GMC chỉ cao hơn từ 17-35%.

Việc phát triển, mở rộng GMC cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực tới thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản ở Việt Nam. Trên thế giới hiện nay còn có nhiều nước phản đối GMC, tiêu biểu là châu Âu, Nhật Bản. Trong khi đây lại là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Để bảo vệ thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần đảm bảo không có thành phần biến đổi gene trong nông sản. Mỹ là nước phát triển GMC tích cực nhất, với diện tích và sản lượng lớn nhất thế giới. Nhưng cũng chính vì có sự hiện diện của giống lúa biến đổi gene mà ngành lúa gạo của Mỹ phải trả giá đắt vì không xuất khẩu được, thiệt hại 1,2 tỉ USD (2006). Ngô của Hoa Kỳ cũng đã bị thị trường châu Âu tẩy chay vì có thành phần biến đổi gene.

GS. TS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam đưa ra kiến nghị: “Trong vài năm tới, Việt Nam chưa nên đi vào cây trồng GMC, bởi lẽ chưa có bằng chứng xác thực đầy đủ về tác động tiêu cực của cây trồng GMC đối với sức khoẻ con người. Khi nào Việt Nam tự chủ được công nghệ biến đổi gene, tự tạo ra được cây trồng GMC thì mới phát triển. Còn hiện nay, với trình độ khoa học công nghệ còn thấp, phải đi mua giống từ nước ngoài, nếu đi nhanh vào cây trồng GMC, Việt Nam sẽ chỉ làm giàu cho các công ty xuyên quốc gia và tự biến mình thành vật hi sinh cho những thử nghiệm loại công nghệ nhiều rủi ro”.

Bà Lệ Thị Phi Vân - Viện Chiến lược chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn: NẾU CHO LỰA CHỌN, TÔI KHÔNG CHỌN THỰC PHẨM BIẾN ĐỔI GENE.

“Công nghệ biến đổi gene không giúp tăng năng suất đột biến như nhiều người ảo tưởng. Thậm chí ở nhiều nơi, năng suất cây trồng GMC còn thấp hơn cây trồng thông thường, trong khi nhu cầu lượng hoá chất diệt cỏ không hề giảm đi. Từ năm 1999, Việt Nam đã trồng bông biến đổi gene, nhưng tới nay, cả năng suất, diện tích đều giảm. Cây trồng GMC cũng làm cho sâu bệnh trở nên kháng thuốc. GMC cũng tiềm tàng các nguy cơ với sức khoẻ con người, bởi công nghệ gene vốn không an toàn. Tác động với sức khoẻ có thể tức thời không nhận ra, nhưng về lâu dài có thể có rủi ro lớn. Ở góc độ nhà khoa học, tôi không ủng hộ việc phát triển GMC. Ở góc độ người tiêu dùng, nếu cho tôi lựa chọn, tôi cũng sẽ không chọn thực phẩm GMC”.

Thực phẩm biến đổi gene: Phát kiến vĩ đại hay thảm hoạ công nghệ? ảnh 3

Ông Đỗ Gia Phan - Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ ngươi tiêu dùng: HÃY ĐỂ NGƯỜI TIÊU DÙNG LỰA CHỌN.

“Chúng ta không phản đối hay kỳ thị sản phẩm biến đổi gene nhưng hãy để cho người tiêu dùng được quyền lựa chọn, bằng cách ghi nhãn rõ ràng trên các sản phẩm biến đổi gene bày bán để người tiêu dùng nhận dạng. Ở nhiều nơi, người tiêu dùng vẫn bị “bịt mắt”, mua phải sản phẩm biến đổi gene mà không hề hay biết. Ngưỡng hàm lượng thành phần biến đổi gene nhất định cũng phải ghi rõ. Trên thế giới, mỗi nước có một ngưỡng nhất định: Australia (trên 1%), Nhật Bản (trên 5%), Indonesia (trên 5%), Hàn Quốc (trên 3%), châu Âu (0,9%)... Ở Việt Nam, theo Luật An toàn thực phẩm, việc ghi nhãn trên thực phẩm GMC là bắt buộc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa qui định ngưỡng cụ thể”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng: NĂM 2012, VIỆT NAM SẢN XUẤT NGÔ BIẾN ĐỔI GENE TRÊN DIỆN RỘNG

“Lộ trình sử dụng cây trồng GMC ở Việt Nam rất thận trọng. Trước mắt sẽ chỉ cho phép khảo nghiệm ba loại cây là ngô, đậu tương, bông vải, trong đó ưu tiên cây ngô. Từ năm 2010, Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn mới bắt đầu thực hiện khảo nghiệm 7 giống ngô GMC, trong đó 3 giống của công ty Syngenta, 3 giống của công ty Monsanto, 1 giống của công ty Pioneer Hibred của Việt Nam. Với nhóm cây trông xuất khẩu chủ lực: lúa gạo, cà phê, điều, tiêu, chè, cây ăn quả... Việt Nam không có chủ trương phát triển theo hướng biến đổi gene. Năm 2012 có thể đưa ngô biến đổi gene vào sản xuất trên diện rộng. Đi vào GMC có thể giúp nông nghiệp Viêt Nam phát triển nhanh hơn nhưng nếu sai lầm thì không thể sửa chữa được”.

Chị Phạm Thị Minh Thắm (Mỹ Đình - Hà Nội): TÔI LO LẮNG NẾU THỰC PHẨM TRONG BỮA ĂN CÓ THÀNH PHẦN BIẾN ĐỔI GENE

“Là người nội trợ, tôi thấy thiếu thông tin về thực phẩm biến đổi gene, không biết nó lợi, hại ra sao. Các nhà khoa học cần đưa ra những chỉ dẫn, cảnh báo cụ thể, rõ ràng hơn. Tôi không biết, trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình mình có thành phần biến đổi gene hay không. Nếu có, tôi rất lo lắng. Mặc dù, đã có luật qui định, nếu thực phẩm có thành phần biến đổi gene thì phải dán nhãn để người tiêu dùng biết. Nhưng, nếu hàng hoá trong siêu thị thì còn kiểm soát được, hàng hoá bán ngoài chợ thì rất khó. Người tiêu dùng không có cơ sở để phận biệt đâu là thực phẩm biến đổi gene, cứ thấy tươi ngon là mua, điều này rất nguy hiểm”.