Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đi đôi với việc luôn tôn trọng và nỗ lực để bảo vệ quyền con người trong thực tiễn, Việt Nam cũng không ngừng đóng góp, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia, cộng đồng quốc tế trong tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người.
Với những nỗ lực và thành tựu không phủ nhận về phát triển con người - Việt Nam xứng đáng nhận được sự ủng hộ vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

Với những nỗ lực và thành tựu không phủ nhận về phát triển con người - Việt Nam xứng đáng nhận được sự ủng hộ vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

Điểm sáng về phát triển con người

Phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 vào ngày 24-9 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn thúc đẩy hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và đối thoại tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đồng thời, thay mặt Chính phủ nước ta, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước đối với việc ứng cử của Việt Nam vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Có thể nói, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ và đóng góp hiệu quả, thiết thực của mình đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, ghi nhận, đánh giá cao là một thành viên có trách nhiệm. Chúng ta luôn thúc đẩy hợp tác quốc tế, tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức và hoạt động quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển, trong đó lấy con người là trung tâm, là ưu tiên hàng đầu trong tiến trình phát triển. Điều này trước hết thấy rất rõ trong thực tiễn tại nước ta với những nỗ lực, thành tựu được ghi nhận trong phát triển con người. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta nêu rõ: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”. Chủ trương xuyên suốt ấy đã cụ thể hóa bằng chính sách phát triển kinh tế - xã hội là công bằng, hướng tới mọi đối tượng, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế ở thành thị mà luôn dành nguồn lực lớn, sự quan tâm sâu sắc tới xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống người nông dân. Qua mỗi năm, từng giai đoan, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội ở nước ta đều có sự thay đổi rõ nét.

Trong báo cáo hồi tháng 4 năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã gọi Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Theo đó, trong giai đoạn 2002 - 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD; tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh xuống còn dưới 2% từ mức hơn 32% của năm 2011.

Theo Báo cáo hằng năm về phát triển con người của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng Chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất thế giới dù kinh tế chưa đạt được như các nước phát triển. Nếu năm 1990, HDI của Việt Nam chỉ đạt mức thấp là 0,48 thì chỉ số này của Việt Nam đã tăng lên 0,703 vào năm 2021, xếp thứ 115 trong số 191 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay Liên hợp quốc luôn coi Việt Nam là một điểm sáng về phát triển con người, nhất là trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam cũng luôn nằm trong số những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất trên thế giới. Ngay từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo, về đích sớm trước gần 10 năm so với thời hạn đặt ra chung trên toàn thế giới.

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen trong Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020 nêu rõ, với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao. Người đứng đầu UNDP tại nước ta khẳng định: “Đây là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới”.

Xứng đáng “có ghế” tại Hội đồng Nhân quyền

Với những nỗ lực cùng thành tựu ấn tượng, đáng tự hào về phát triển con người, Việt Nam vào năm 2013 đã lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Trong suốt nhiệm kỳ 3 năm nay, Việt Nam có nhiều sáng kiến được quốc tế đánh giá cao, tiêu biểu như việc phối hợp cùng các quốc gia khác đề ra sáng kiến về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật; về bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển; Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em; về nâng cao giáo dục trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...

Sau nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam vẫn có những đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Không chỉ ở Hội đồng Nhân quyền mà tại các diễn đàn đa phương khác, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Vì thế, việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng và nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Việc này khẳng định những nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Nhà nước…

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của hiệp hội cho nhiệm kỳ này. Tờ Washington Times (Mỹ) trong bài viết ngày 21-9 vừa qua cũng đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, nhấn mạnh rằng Việt Nam xứng đáng “có ghế” tại Hội đồng Nhân quyền và điều này sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế. Thế nhưng, thật bất ngờ và khó hiểu khi vẫn có những ý kiến thiểu số, lạc lõng trái chiều về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 22-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan của một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về Việt Nam”, đồng thời khẳng định những thành tựu không thể phủ nhận về phát triển con người của Việt Nam.

Những tiếng nói, quan điểm lạc lõng đó không thể ngăn Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 cùng nhiều cam kết, ưu tiên với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết - Đối thoại và Hợp tác - Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Federico Villegas bày tỏ sự ủng hộ khi nêu rõ, thông điệp ứng cử của Việt Nam chính là tinh thần các nước cần theo đuổi khi tham gia Hội đồng Nhân quyền.