Thủ tướng chỉ đạo: Phải tránh hành chính hóa nghiên cứu khoa học

ANTD.VN - “Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả…, phải tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học, phải làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Ngày 4-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Hội nghị trực tuyến Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2016 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN, Việt Nam đã có bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành sản xuất.

Khoa học công nghệ Việt Nam đang được định hướng đầu tư phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực mũi nhọn kinh tế, xã hội

Theo đó, đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác than, khoáng sản, góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/ năm. Trong lĩnh vực dầu khí, đã nắm vững nhiều công nghệ hiện đại, áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng... Trong lĩnh vực điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ điện khí hóa nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh vào việc phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao. Tính đến tháng 6-2016, cả nước có khoảng 250 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá và có khoảng 2.100 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH&CN. 

Doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận thuộc các lĩnh vực công nghệ khác nhau, trong đó tập trung vào: Công nghệ sinh học (47%), công nghệ tự động hóa (16,7%), công nghệ vật liệu mới (14,05%). Từ năm 2012 đến nay, đã có 36 tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao, góp phần không nhỏ cả về vốn đầu tư, hàm lượng chất xám về công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin (chiếm 64%), cơ khí và tự động hóa (19%), các lĩnh vực vật liệu mới và công nghệ sinh (11% và 6%).

Năm 2016 cũng là năm hình thành, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Đã có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Giai đoạn 2012-2016 chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng, chất lượng của các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh khi có khoảng 21 cơ sở ươm tạo, 07 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Trên cả nước có khoảng 20 khu làm việc chung, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ vướng mắc tạo cơ chế thông thoáng để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu ứng dụng nhu cầu đời sống

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, muốn phát triển KHCN thành công thì phải có 6 yếu tố là: Thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KHCN.

“Phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài trong và ngoài nước, là những nhà khoa học có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương” – Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng lưu ý các Bộ và đơn vị trong hệ thống KHCN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà”: nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất.