Thu phí xe ra vào sân bay không dùng tiền mặt, vì sao cứ mãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cả nước hiện có 23 cảng hàng không, sân bay đang khai thác với lưu lượng phương tiện ra vào vô cùng lớn. Thu phí tự động không dừng tại các sân bay đã được rục rịch triển khai từ rất lâu với nhiều lần “chốt” tiến độ nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Nhà quản lý muốn thí điểm tại 2 sân bay lớn

Báo cáo Bộ GTVT về việc cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, quá trình vận hành hệ thống, các nhà cung cấp dịch vụ đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu người dùng. Với nhiều kênh nạp tiền thuận tiện, đa dạng, thu phí không dừng đã trở nên quen thuộc, đến nay đã có gần 5 triệu xe dán thẻ thu phí không dừng, mở tài khoản thu phí (tài khoản giao thông), đạt trên 90% tổng số lượng phương tiện trên cả nước.

Sân bay quốc tế Nội bài những dịp nghỉ, lễ Tết đều chật kín phương tiện ra vào

Sân bay quốc tế Nội bài những dịp nghỉ, lễ Tết đều chật kín phương tiện ra vào

Việc mở rộng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như: Thu phí tại cảng hàng không, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường… là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của giao thông thông minh, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và tăng tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án. “Hiện nay các trạm thu phí sân bay trong cả nước, đặc biệt là ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất, vẫn thu phí theo hình thức thủ công, lái xe phải dừng xe trước trạm thu phí để trả tiền mặt khiến cho khu vực trạm thường xuyên bị ùn tắc, gây bức xúc cho lái xe và hành khách” - Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng triển khai thí điểm mở rộng thêm dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian là 6 tháng. Việc thí điểm trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội, hiệu quả dự án theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng, cũng như có cơ sở đánh giá, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Về cơ sở pháp lý để mở rộng dịch vụ, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc các nhà cung cấp dịch vụ đề xuất mở rộng thêm dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng phù hợp với tinh thần tại Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí đường bộ. Trường hợp muốn mở rộng dịch vụ phải điều chỉnh dự án thu phí điện tử không dừng để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án. Còn theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, tài khoản giao thông của chủ phương tiện hiện tại chỉ được sử dụng để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Hơn nữa, tại dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan này đã đề xuất bổ sung quy định hệ thống giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu đường bộ và thanh toán điện tử giao thông. Từ phân tích trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng triển khai thí điểm mở rộng thêm dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian là 6 tháng. Việc thí điểm trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội, hiệu quả dự án theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị cho phép dùng tài khoản giao thông ETC ra vào sân bay

Kiến nghị cho phép dùng tài khoản giao thông ETC ra vào sân bay

Đồng thời, gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng, cũng như có cơ sở đánh giá, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. “Trên cơ sở quá trình triển khai và kết quả thí điểm thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT tổ chức đánh giá tác động và rà soát, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị phương án xử lý phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề xuất thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 19 đồng thời với quá trình triển khai thí điểm” - Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị.

Doanh nghiệp muốn đồng bộ

Dù vậy, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị quản lý, vận hành 22 cảng hàng không, sân bay trên cả nước) lại không đồng tính với kiến nghị của Cục Đường bộ Việt Nam. Đơn vị này cho biết, thời gian qua, ACV đã làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng. Theo đó, về mặt kỹ thuật, việc sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến RFID (Radio Frequency Identification) để triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không có thể áp dụng cùng với các phương án thu phí hiện nay ACV đang triển khai. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, lãnh đạo ACV cho biết việc triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không đang vướng mắc do quy định về tài khoản thu phí tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 45/2021 của Bộ GTVT.

Cụ thể, tài khoản thu phí (còn gọi là tài khoản giao thông) được quy định chỉ để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Từ đây, ACV đề nghị Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận cho phép doanh nghiệp triển khai thực hiện hình thức thu không dùng tiền mặt, thu tự động không dừng (ETC) và hướng dẫn thủ tục pháp lý liên quan đến sử dụng tài khoản giao thông nêu trên tại các cảng hàng không mà ACV đang quản lý, khai thác. Thông tin thêm, doanh nghiệp cho biết đã rà soát, đánh giá tác động, quy định pháp luật liên quan và xem xét thực tiễn hệ thống thu phí. Đồng thời, hoàn thành việc khảo sát, lên phương án lắp đặt thiết bị, kết nối hệ thống thu không dùng tiền mặt và tự động không dừng, cơ bản hoàn thiện giải pháp kỹ thuật lắp đặt thiết bị, sẵn sàng để triển khai thực hiện thu thí điểm tại các cảng hàng không trực thuộc ACV.

Còn theo Công ty TNHH thu phí tự động VETC tại văn bản gửi Bộ GTVT, trong khi chờ sửa đổi Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép nhà cung cấp dịch vụ thu phí triển khai mở rộng dịch vụ thu phí tại các cảng hàng không và sử dụng tài khoản giao thông để thanh toán các dịch vụ liên quan đến cảng hàng không.

Về đề xuất này, ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ triển khai ở các sân bay, song ý kiến đóng góp của nhiều bộ, ngành cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để áp dụng. “Về lâu dài, Bộ GTVT đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Đường bộ, trong đó bổ sung quy định thanh toán điện tử giao thông được thực hiện bằng tài khoản giao thông dùng để thanh toán phí sử dụng đường bộ và các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện” - ông Tô Nam Toàn cho hay.

Ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định cũ

Trước đó, tháng 5-2023, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình triển khai, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC). Trong đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng các dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng. Các dịch vụ mới được Bộ GTVT kiến nghị mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như: Thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định. Sau đó, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tham gia góp ý để hoàn thiện báo cáo liên quan đến việc mở rộng dịch vụ thu phí không dừng.

Đóng góp ý kiến về việc này, Bộ Tài chính cho hay, các dịch vụ mới như thu phí cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm độc lập với dịch vụ thu phí điện tử không dừng. Trường hợp cho phép mở rộng dịch vụ cần ban hành quyết định mới, hoặc sửa đổi, bổ sung Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Còn theo Bộ Tư pháp, để có cơ sở mở rộng các dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng thu phí tự động không dừng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và sửa đổi, bổ sung Quyết định 19/2020/QĐ-TTg làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hệ thống thu phí điện tử không dừng cũng như nhà cung cấp dịch vụ không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép trung gian thanh toán cho Công ty TNHH thu phí tự động VETC. Khách hàng sử dụng tài khoản do VETC cung cấp có thể đăng ký sử dụng dịch vụ. “Bộ GTVT có thể xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 19/2020/QĐ-TTg đối với việc mở rộng các tiện ích cho tài khoản giao thông. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT nghiên cứu các nội dung liên quan đến tài khoản giao thông sau khi Thủ tướng đồng ý sửa đổi quyết định 19” - Ngân hàng Nhà nước cho hay.