Thu phí đường cao tốc sẽ kéo dài hết vòng đời dự án?

ANTD.VN - Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất, thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ thực hiện suốt vòng đời dự án.

Tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất quy định tách riêng nguồn thu phí của tất cả các tuyến cao tốc, để tạo nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống giao thông. Đồng thời, thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ thực hiện suốt vòng đời dự án, tức là việc thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ vĩnh viễn.

Lý giải về vấn đề này, ông Tăng Bá Viết (Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, quy định tách riêng nguồn thu phí tất cả các tuyến cao tốc là chủ trương rất cần thiết để phát triển giao thông trong tương lai.

Cao tốc là công trình được đầu tư rất lớn, công tác quản lý, bảo trì và tổ chức khai thác đòi hỏi chặt chẽ về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chi phí cao.

Bộ GTVT đề xuất thu phí trọn đời với cao tốc

Xét trên góc độ của nhà đầu tư, khả năng có lãi của loại dự án này là rất khó. Nếu không có sự tham gia hoặc hỗ trợ từ phía Nhà nước, việc triển khai dự án gần như không khả thi.

Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài không dám đầu tư vào những dự án kiểu này.

Ở một góc độ khác, người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên đường cao tốc sẽ được bảo đảm lưu thông với tốc độ cao và an toàn hơn so với đường bộ thông thường.

Khi Nhà nước xây dựng đường cao tốc, sẽ tổ chức thu phí. Nếu không thu phí, không thể điều tiết được giao thông, vừa không thể nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó cũng gây lãng phí dự án.

Chính vì vậy, việc thu phí cao tốc suốt vòng đời dự án là do suất đầu tư dự án rất lớn, nhà đầu tư gần như không thể thu hồi vốn, hoàn vốn. Nếu Nhà nước tính toán đến phương án hồi vốn như các doanh nghiệp đang làm sẽ không có hiệu quả.

Cũng theo ông Viết,  việc thu phí đường cao tốc phải đảm bảo công bằng cho toàn bộ hệ thống cao tốc nói chung. Có nghĩa, dù tuyến đường đó được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư hay hình thức BOT thì đều phải thu phí để hoàn vốn.

Sau khi tuyến đường cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT hoàn thành việc thu phí hoàn vốn cho dự án, tuyến cao tốc đó được chuyển giao về cho Nhà nước quản lý. Khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí, nguồn phí thu đó là để phục vụ cho việc quản lý, bảo trì và tổ chức khai thác, phát huy hiệu quả dự án.

Còn nếu thu phí mà dư ra sẽ mang số dư đó tiếp tục đi đầu tư các tuyến đường mới. Đó là lý do tại sao gọi là thu phí cao tốc cả đời. Người dân sẽ có quyền lựa chọn đi vào đường cao tốc hay không đi.

Mục đích của việc thu phí này là cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, chúng ta có thêm nguồn lực để phát triển nhiều đường hơn, chất lượng đường sá tốt hơn cho đất nước, trong đó có đường cao tốc.

Tuy vậy, nhiều người lo ngại tình trạng phí chồng phí khi tiếp tục thu phí sử dụng đường bộ với đường cao tốc. Về vấn đề này, ông Tăng Bá Viết cho rằng, hoàn toàn không có tình trạng phí chồng phí bởi hệ thống đường cao tốc ở nước ta được hình thành sau và đã có tuyến đường bộ hiện hữu cùng hướng tuyến. Ở đây, chỉ là thêm sự lựa chọn cho người điều khiển phương tiện đi trên tuyến cao tốc hay đi trên tuyến đường đã có từ trước.