Thu lãi khủng từ lợn, các “ông lớn” rầm rộ mở rộng chăn nuôi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho thấy, so với cùng kỳ năm 2019, tốc độ tái đàn lợn của nhiều doanh nghiệp tăng đến 200-300%.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho thấy, đến tháng 6/2020, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam đạt 2,6 triệu con lợn, tăng 1,1 triệu con so với thời điểm 1/1/2019 và tăng trên 200.000 con so với thời điểm từ đầu năm nay.

Diễn biến này cho thấy Công ty chăn nuôi CP Việt Nam gần như đã đẩy tối đa công suất ở trại hiện có.

Trong báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, CP Group (công ty mẹ của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam) có doanh thu tăng 35%, lên mức 52,5 tỷ baht Thái Lan (tương ứng 39.000 tỷ đồng). Theo lý giải của doanh nghiệp, nguồn thu tăng chủ yếu đến từ giá thịt lợn tăng 84% kể từ đầu năm đến nay.

Giá thịt lợn duy trì ở mức cao kéo dài, 16 “ông lớn” đẩy mạnh chăn nuôi

Giá thịt lợn duy trì ở mức cao kéo dài, 16 “ông lớn” đẩy mạnh chăn nuôi

Một “đại gia” khác trong ngành chăn nuôi là Tập đoàn DABACO, 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 4.605 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần so với nửa đầu năm ngoái và vượt xa chỉ tiêu đạt 457 tỷ đồng kế hoạch cả năm 2020, trong đó có đóng góp đáng kể từ thị trường thịt lợn giữ giá ở mức cao.

Trong 6 tháng qua, DABACO tăng đàn lợn nái từ 28.000 con lên khoảng trên 38.000 con. Sắp tới doanh nghiệp này sẽ vận hành thêm 2 dự án trang trại nuôi lợn quy mô lớn tại Thanh Hóa và Hòa Bình.

Công ty phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) cũng có tốc độ tái đàn ấn tượng, tổng lợn thương phẩm tháng 1 chỉ có trên 50.600 con, nhưng đến tháng 6 đã có trên 126.000 con.

Doanh thu từ chăn nuôi và nông nghiệp tăng trưởng 42% trong nửa đầu năm, đạt 5.043 tỷ đồng và là mảng đóng góp lớn thứ hai cho Tập đoàn, chỉ đứng sau thép. Hòa Phát hiện có hệ thống trang trại lớn cung cấp lợn giống bố mẹ, heo giống thương phẩm, lợn thịt chất lượng cao tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Phước. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng công suất chăn nuôi lên tới 450.000 đầu lợn thương phẩm/năm.

Theo Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn tăng cao cũng là động lực khiến nhiều doanh nghiệp tái đàn. Cụ thể với Công ty CJ, tổng đàn lợn thương phẩm trong tháng 1 chỉ có trên 212.000 con nhưng đến tháng 6 tăng lên trên 683.000 con (tăng trên 300%). Công ty CP Tập đoàn Mavin, đàn lợn thương phẩm từ 35.000 con tăng lên trên 100.000 con (tăng gần 300%) trong tháng 6.

Cho đến tháng 8, Mavin tiếp tục thực hiện chính sách không bán lợn giống ra ngoài mà giữ lại toàn bộ để đưa vào hệ thống trại của tập đoàn này để nâng công suất chăn nuôi lợn thương phẩm.

"Ông lớn" hốt bạc từ lợn cả năm nay

Số liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy, đến tháng 6 năm nay, tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp lớn đạt 4,16 triệu con, tăng 66,35% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi (1/1/2019) và tăng 30,89% thời điểm sau khi có dịch tả lợn châu Phi (1/1/2020).

Dự báo đến quý 4 năm nay, tổng đàn lợn thịt của nhóm doanh nghiệp “đại gia” này đạt 5,36 triệu con, tăng 68% so với thời điểm đầu năm nay. Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, đến tháng 7, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 24,9 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn trước khi có dịch.

Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng trên cả nước dao động từ 80.000 đồng-83.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo tính toán, nếu chăn nuôi khép kín từ con giống đến thức ăn đến khi xuất bán thì giá thành chăn nuôi vào khoảng 51.000 đồng/kg. Như vậy, gần một năm nay, các “ông lớn” chăn nuôi đã hốt bạc nhờ giá thịt lợn tăng phi mã và đứng ở mức cao.

Còn chăn nuôi trong nông hộ hiện nay đạt tỷ lệ thấp, lượng tái đàn cũng khiêm tốn bởi do ảnh hưởng từ dịch tả châu Phi nên giá con giống đắt đỏ, trong khi nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi vẫn hiện hữu nên có tâm lý e ngại.