Thư gửi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và nước mắt người mẹ

ANTĐ - Thưa ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, tôi viết bài này trước công luận và gửi đến ông với tư cách của một người làm báo, với tư cách của một công dân của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và với tư cách của một người mẹ của những đứa con mong muốn được đi nhà trẻ!

Thưa ông, chắc vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ em, đánh đập đến tàn nhẫn những đứa trẻ mới có 10 tháng đến 4 tuổi không có khả năng tự bảo vệ mình vừa xảy ra tại trường tư thục Phương Anh - quận Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh đã đến tai ông rồi. Tôi biết chắc rằng dù không phải là cha là mẹ của những đứa trẻ nhưng ông cũng có con có cháu và cũng sẽ rất đau xót khi xem lại hình ảnh những đứa trẻ đáng thương bị tra tấn về tinh thần và thể xác ngay cả khi chúng còn chưa biết nói. Hành động duy nhất để chúng có thể tự bảo vệ mình là khóc!

 Và tôi cũng biết những ngày qua, có rất nhiều người khóc. Cha mẹ, ông bà, người thân của những đứa trẻ khóc; Những người dưng, những người không phải máu mủ ruột thịt của những đứa trẻ khóc, cùng rất nhiều những người từng làm mẹ con trong lứa tuổi nhà trẻ đã khóc. Khóc không chỉ thương những đứa trẻ, khóc không chỉ vì phẫn uất trước những hành động vô cảm mà khóc còn vì sự bất lực vì không còn con đường nào khác, khóc vì hoảng sợ, lo lắng cho số phận của những đứa trẻ tiếp theo. Và còn nữa Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thị Minh Nghĩa cũng nói rằng bà đã rơi nước mắt.

Thưa ông Bộ trưởng, tôi xin phép không liệt kê hàng loạt những hành động ngược đãi trẻ em của các “bảo mẫu” trong clip mà Báo Tuổi trẻ đã quay được vì nó đau lòng lắm. Nhưng có điều phải nhắc lại là vụ này không phải là vụ đầu tiên xảy ra ở các nhà trẻ tư. Trước đó đã có hàng loạt vụ đau lòng như thế, hơn thế và mới đây nhất là một cháu bé mới 18 tháng bị bảo mẫu thả xuống đất rồi đạp cháu đến mức vỡ tim, dập phổi, rách gan và chết thảm. Hỡi ơi, những cô bảo mẫu thời nay. Có phải     ở xã hội mà đạo đức xuống cấp đến thê thảm này, có phải cái thời thực dụng cuồng điên này  giáo dục đã bất lực, để ra những cô bảo mẫu như thế! 

Đáng thương nhất trong vụ việc này là mẹ cháu bé tội nghiệp kia. Chị tốt nghiệp Đại học nhưng không xin được việc tương xứng với ngành mình đã học, chị phải đi làm công nhân. Công nhân thì ít tiền, mà khu công nghiệp thì không có nhà trẻ, chị phải mang con đến cô “bảo mẫu”, dẫu chị biết như thế là không tốt cho con chị, nhưng tiền lương mà chị có, hàng tháng với đủ thứ phải chi tiêu không cho phép chị làm khác được, không cho phép chị mang con đến những lớp học tốt hơn. Giờ đây khi đứa con đã tuột khỏi tay chị, chị khóc, tự dằn vặt cho rằng lỗi là ở mình vì đã mang con đến cái nhà trẻ khốn kiếp kia. Nhưng tôi cho rằng, lỗi không phải của chị. Vậy thì lỗi là của ai? Lỗi là chúng ta không có nhà trẻ? Lỗi là ngành giáo dục của chúng ta đã không phân công trách nhiệm một cách cụ thể cho những người có trách nhiệm phải trông giữ trẻ?

Theo suy nghĩ thiển cận của tôi thì, một người nông dân một nắng hai sương, chắt chiu từng hạt gạo họ có nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Những người nông dân, con cái của những người nông dân có quyền được hưởng các chính sách của giáo dục của Nhà nước. Một người bác sĩ trực đêm ngày, họ có nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe, giành lấy sinh mạng, giành lấy quyền sống cho người dân, trong đó có cả những người đang công tác trong ngành giáo dục và những người thân yêu của họ. Vậy những người bác sĩ, con em của những người bác sĩ phải được hưởng những chính sách từ ngành giáo dục chứ! Một người lính trong lực lượng vũ trang có nghĩa vụ giữ yên bờ cõi, đối đầu với mũi tên hòn đạn giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhân dân ở đây có cả những người làm trong ngành giáo dục và con em của họ. Vậy công bằng mà nói thì những người lính và con cái của những người lính phải được hưởng những chính sách của ngành giáo dục.

Và cả những người công nhân ngày đêm bán sức lao động ở những khu công nghiệp, họ cũng làm ra sản phẩm hàng hóa, xét cho cùng họ cũng có nghĩa vụ đóng thuế, vậy họ có quyền đòi hỏi về sự “bình đẳng trong giáo dục” chứ.  Còn ngành giáo dục, khi đã được hưởng các chính sách của Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì họ cũng phải có nghĩa vụ trồng người, chăm lo nhân cách trí tuệ cho con người. Hay nói nôm na là trong khi tất cả các lực lượng khác, ngành nghề khác thực hiện nghĩa vụ của mình với Nhà nước với Tổ quốc, với dân  thì ngành giáo dục cũng có nghĩa vụ với Nhà nước với Tổ quốc với dân tộc là chăm sóc con em để những  lực  lượng khác, ngành nghề khác yên tâm cống hiến. Vậy tại sao chúng ta lại không có nhà trẻ. Những bà mẹ là công chức Nhà nước, những bà mẹ là công nhân, những bà mẹ là nông dân sẽ gửi con mình ở đâu khi theo quy định của Luật Lao động thời hạn nghỉ sinh con có 6 tháng (trước đây là 4 tháng), mà các trường mẫu giáo chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi đến 6 tuổi? Vì sao các nhà trẻ tư ra đời? Nhà trẻ công lập ở đâu?

Thưa ông, tôi không biết một năm chi phí cho giáo dục mầm non là bao nhiều đồng từ Ngân sách Nhà nước? Tôi không biết một năm chúng ta xây dựng được bao nhiêu trường mầm non, và không biết còn có bao nhiêu cô giáo mầm non được đào tạo ra trường không có việc làm, chờ việc. Trong khi đó sự nghiệp, nghĩa vụ trồng người, đào tạo nhân cách con người được bàn giao cho những bà giúp việc, hoặc các bà thất nghiệp không trình độ sư phạm, hoặc các “bảo mẫu há bá” hành hạ trẻ em như những trường hợp trên. Tôi cũng không biết có văn bản nào của Nhà nước hay của ngành giáo dục rằng không nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi vào các nhà trẻ mẫu giáo công lập hay không? Nhưng bây giờ muốn đưa con nhỏ dưới 18 tháng  tuổi vào các trường mẫu giáo công lập dường như đó là điều không tưởng. Đấy là còn chưa nói tới trẻ trên độ tuổi ấy muốn chen chân vào trường  mẫu giáo công lập nhiều khi bố mẹ còn phải “xếp hàng”, còn phải “chạy”. Vậy những người nông dân, công nhân, công chức nghèo thì lấy thời gian, tiền bạc ở đâu để mà “xếp hàng”, để mà “chạy”. Câu trả lời: Lối thoát duy nhất cho họ là đến các nhà trẻ tư tự phát - và đã có hiện thực là: “gửi trứng cho ác”.

Thưa ông Bộ trưởng, tôi biết cái thời cách đây cỡ hơn 20 năm, kể cả cái thời còn bao cấp khó khăn. Những đứa trẻ mới chỉ 3 tháng tuổi ẵm ngửa vẫn còn đang bú mẹ đã được gửi đến các nhà trẻ công lập để các cô giáo chăm bẵm bú mớm. Đến nửa buổi người mẹ lại đến nhà trẻ cho con bú rồi quay lại làm việc, hoặc vắt sữa để lại nhờ cô cho cháu bú. Cái thời đấy còn dùng tã xô, làm gì có bỉm, các cô giáo vẫn chăm sóc các cháu tận tình sạch sẽ khô ráo, ấm áp. Vậy sao bây giờ không có các lớp nhà trẻ đó, không có các cô giáo như thế!? Tại sao xã hội không phân công những người trông trẻ có nghĩa vụ phải trông trẻ. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống con người ngày càng được nâng lên, ngành giáo dục tất nhiên cũng ngày càng phát triển mà người dân lại phải ước mơ về một thời lạc hậu thì hẳn là câu chuyện buồn của sự phát triển.

Sau vụ việc hành hạ các cháu ở trường tư thục Phương Anh, chiều ngày 17-12, tức là chỉ sau vài ngày clip hành hạ trẻ em được công bố, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ mức độ vi phạm, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân đối với sự việc nêu trên và xử lý theo quy định; Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo quá trình và kết quả triển khai thực hiện các yêu cầu trên trước ngày 19-12-2013”.

Vâng, công văn rất nhanh chóng, rất kiên quyết và dư luận cũng xin được cảm ơn tinh thần ấy của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Song chỉ là nhanh chóng với sự việc đã xảy ra mà là quá muộn đối với cả chặng đường giáo dục. Từ trước đến nay, thường thì khi có vụ việc xảy ra chúng ta mới bàn đến việc xử lý trách nhiệm và cuối cùng trách nhiệm là của chung và cũng chả xử lý được ai. Mục đích của chúng ta là không phải để xử lý những người vi phạm mà mục đích làm sao để có sự công bằng trong giáo dục, để những đứa trẻ được đến trường học đúng nghĩa của trường học, để bố mẹ của những đứa trẻ yên tâm cống hiến cho Nhà nước.

Có lẽ thôi đừng bàn đến việc quản lý các nhà trẻ tư nữa vì bàn mãi rồi vẫn thế thôi mà cần phải bàn tới việc vì sao lại thiếu các nhà trẻ công lập, tại sao các lớp mẫu giáo công lập không nhận trẻ từ 6 tháng tuổi. Tại sao tại các khu công nghiệp không có các nhà trẻ. Thiệt hại cho xã hội như thế nào nếu như giai đoạn giáo dục này bị bỏ trống và phó mặc cho các gia đình tự giải quyết???

Tôi nghĩ ngành học mầm non là một ngành học quan trọng trong chương trình giáo dục, nó là chân đế của ngành giáo dục, nó là cái gốc của một cái cây đời người. Từ đây đứa trẻ bắt đầu tập tễnh làm quen với môi trường xã hội, từ đây chúng được tiếp xúc với những kiến thức đầu tiên với những bài học sơ khai đầu đời, thông qua những trò chơi đơn giản, thông qua môi trường yêu thương thân thiện của những cô bảo mẫu giúp đứa trẻ hình thành nhân cách, trí tuệ… Nhưng hình như lại không phải  vậy, bởi ngành giáo dục vẫn đang mải miết đầu tư cho giáo dục đại học. Đầu tư giáo dục phần ngọn mà bỏ rơi giáo dục phần gốc. Đã có quá nhiều trường đại học được mở ra mà chẳng có học sinh nào vào học, trong khi đó trường mầm non lúc nào cũng thiếu cũng quá tải. 

Những đứa trẻ bị hành hạ, cấm đoán tổn thương về nhân cách sẽ phát triển như thế nào mai sau? Những đứa trẻ gốc bị hỏng thì có thể theo học phần ngọn được không? Những đứa trẻ được nuôi dạy trong điều kiện dinh dưỡng kém, trong môi trường giáo dục như địa ngục với đủ các màn tra tấn hành hạ thì làm sao phát triển tốt nhân cách sau này, chất lượng con người của Việt Nam sẽ như thế nào đây? 

Kính thưa ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, nếu cứ để tình trạng giáo dục mầm non mà tệ hại như thế này thì tôi lo lắm, nhiều bậc phụ huynh nghèo của Việt Nam lo lắm, mà đất nước chúng ta phần lớn vẫn là những người còn nghèo khó. Không biết con em mình đi gửi trẻ có bị hành hạ như thế không, không biết chặng đường giáo dục nhân cách của con em mình sẽ hình thành như thế nào.  

Tôi biết ngành giáo dục đang có đề án đổi mới giáo dục, chưa biết đổi mới ngành học mầm non có nằm trong đề án đó không. Nhưng dư luận mong lắm! Đừng để những người mẹ phải khóc! Đừng bỏ rơi những đứa trẻ. Đừng để thêm một đứa trẻ vô tội nào phải chết thảm thương như thế. Hãy để những đứa trẻ được đi nhà trẻ!

Trân trọng!