Thong dong dưới “bầu trời không mái che”

ANTĐ - Nhà thơ Mai Văn Phấn – tác giả tập thơ “Bầu trời không mái che”, đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2010). Anh sinh năm 1955 tại Ninh Bình, hiện sống và làm việc ở đất Cảng Hải Phòng. Mai Văn Phấn cũng là nhà thơ Việt Nam có thơ dịch ra nhiều ngôn ngữ và giới thiệu tại: Anh, Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thụy Điển, New Zealand, Indonexia…  

Tác phẩm đã xuất bản: Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, Vách nước, trường ca Người cùng thời, Bầu trời không mái che, Tuyển tập Mai Văn Phấn…

- Thưa nhà thơ Mai Văn Phấn, sau khi đọc “Bầu trời không mái che” và biết thông tin tập thơ được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, có nhiều ý kiến đánh giá rằng đây là giải thưởng trao cho một “quá trình thơ Mai Văn Phấn” chứ không hẳn chỉ dành cho một tập thơ. Riêng anh - tác giả tập thơ -muốn nói gì về “đứa con tinh thần” của mình?

- “Bầu trời không mái che” là kết quả tất yếu, là điểm đến của cả quá trình sáng tạo của tôi. Tuy bạn đọc vẫn nhận ra tôi, nhưng nó khác biệt/ cách biệt với 8 tập của tôi trước đó. Tôi cảm thấy như mình đã băng qua các “sa mạc” khuynh hướng để đến với tập thơ này bằng trạng thái hồn nhiên, tự nhiên nhất.

- “Bầu trời không mái che” - tên tập thơ cũng là một câu thơ trong bài “Giấc mơ vô tận” anh viết để tưởng nhớ dịch giả, nhà thơ Diễm Châu lúc mới qua đời tại Pháp (2006). Có điều gì đó rất đặc biệt trong chuyện này, thưa nhà thơ Mai Văn Phấn?

- Nhà thơ, dịch giả uyên bác và tài hoa Diễm Châu đã kết bạn vong niên với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi hơn 10 năm. Thời gian đó, hàng ngày ba chúng tôi thường trao đổi thư từ (chủ yếu qua email, điện thoại và cả thư gửi bưu điện) để đàm đạo với nhau về các khuynh hướng thơ trên thế giới, các tác giả tiêu biểu của mỗi quốc gia. Nhà thơ Diễm Châu đã lần lượt gửi cho Nguyễn Quang Thiều và tôi “kho” thơ thế giới mà ông tích lũy được. Tôi biết ơn Diễm Châu vì ông là người mở cửa, dẫn dắt tôi đến với thơ ca thế giới, làm thay đổi mọi quan niệm  thơ ca của tôi trước đó. Trong lần Diễm Châu về Việt Nam (2004), chúng tôi đã tâm sự với nhau, cùng kỳ vọng những khuynh hướng thơ Việt đương đại trong tương lai gần. Bình tĩnh nhìn lại, một số “cường quốc thi ca” đều có tầm vóc, dáng vẻ, phong cách riêng biệt. Họ đã từng phủ sóng, tạo ra các từ trường ảnh hưởng thơ ca các nước khác. Vậy, chúng ta có quyền khao khát một khuynh hướng thơ Việt không bị “bóng râm cường quốc” nào che phủ... Câu chuyện giữa ba chúng tôi bỗng dang dở từ đêm 28/12/2006, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi chỉ biết nhìn về hướng Lộ Trấn (Strasbourg, thuộc đông bắc của nước Pháp - cách dịch của Diễm Châu) với niềm nuối tiếc. “Bầu trời không mái che” là câu thơ trong bài thơ tôi viếng nhà thơ, dịch giả Diễm Châu. Lúc ấy, tôi nhìn thấy ông đi thanh thản về cõi vĩnh hằng trong một bầu trời tuyệt đẹp, các đám mây và cả những ngôi sao đều nhường lối cho ông. Năm 2010 tôi đã lấy câu thơ trên đặt tên cho tập thơ của tôi. Ngoài những điều riêng tư như tôi đã tâm sự, “Bầu trời không mái che” tạo sự đa nghĩa trong tổng thể kết cấu nội dung cuốn sách gồm các chủ đề: Cửa Mẫu, Mùa trăng, Hình đám cỏ. Ngoài ra, tên tập thơ cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của tôi với giai đoạn sáng tác đó.

- Dường như ở mỗi tập thơ, Mai Văn Phấn lại xuất hiện với giọng điệu khác, bút pháp khác, góc nhìn khác… mới hơn với chính anh. Đây có thể coi như cuộc hành trình đi tìm hay trở về với chính mình, để được là mình nhất của nhà thơ Mai Văn Phấn?

- Câu hỏi của chị chính là câu trả lời hay nhất cho vấn đề này. Thơ tôi có nhiều chặng đường, nơi kết thúc mỗi giai đoạn chính là điểm xuất phát cho cuộc khai phóng khác. Nhưng bất kỳ giai đoạn nào, tôi luôn đặt sự chân thành lên trên hết, mong tìm được chính xác và rõ nét nhất chân dung tinh thần của mình, khám phá chính mình ở thời điểm đó.

- Mai Văn Phấn mà bạn thơ cảm nhận được khi đọc “Bầu trời không mái che” không mang bất kỳ dấu ấn nào ở những tập thơ ra đời trước đó. Có phải cuộc vận động nội tại cho thơ, vì thơ trong anh đang ở vào giai đoạn được coi là “đủ tự tin để thong dong”?

- Tôi luôn mong tìm được giọng điệu hiện đại mang đậm bản sắc Việt. Dù cách tân theo hướng nào, thơ không thể đi lại con đường mà thi ca thế giới đã đi, cũng như không thể lẫn sang thơ của các dân tộc khác. Do đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các khuynh hướng thơ bên ngoài, có thời gian tích lũy và trải nghiệm nên tôi viết “Bầu trời không mái che” tự tin và rất nhanh.

- Anh là người đã từng đi dự nhiều cuộc liên hoan thơ, hội thảo về thơ ở nhiều nước trên thế giới, và lần này, Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức lần đầu tiên trên đất nước mình, anh nhận thấy điều gì khác biệt? Bạn thơ quốc tế chia sẻ với anh về những ấn tượng với Liên hoan thơ Châu Á - TBD ở Việt Nam như thế nào?

- Tôi chưa gặp một Festival thơ quốc tế nào quy mô và nhiều ý nghĩa như Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức lần này tại Quảng Ninh và Hà Nội. Đây là ngày hội tôn vinh thơ ca ở bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Tôi gặp lại khá nhiều các bạn thơ ở Indonesia, Hàn Quốc, Philippines… Các nhà thơ quốc tế đến Liên hoan thơ lần này, phần lớn trong số họ rất am tường văn hóa, lịch sử Việt Nam, nhưng tất cả đều ngỡ ngàng trước thái độ và sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà. Họ cảm nhận được lòng yêu mến thơ ca và cả sự hiếu khách của chúng ta. Các bạn quốc tế đã đọc và nghe những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam với nhiều phong cách sáng tạo, cách tân, khác biệt… thấy được vẻ đẹp, sự giàu có của tâm hồn người Việt  Nam; xa hơn thế, các bạn quốc tế có dịp tìm hiểu văn hóa Việt, từ phong tục tín ngưỡng, nghệ thuật đến cung cách giao tiếp, ứng xử...

Cảm ơn anh. Chúc anh sức khỏe, sáng tạo, hạnh phúc và bình an.