Mẫu thiết kế của Lê Hà
- PV: Có rất nhiều sinh viên ngành thời trang coi du học nước ngoài là bước đệm vững chắc nhất và khi trở về Việt Nam sẽ nổi tiếng nhanh hơn. Quan điểm của chị về việc này?
- Nhà thiết kế Lê Hà: Tôi đã từng có thời gian dài sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, tôi nghĩ rằng khi bạn du học là bạn không những tiếp thu một nền tảng kiến thức chuyên môn mà bạn còn học được rất nhiều điều trong cuộc sống xa quê hương. Đó là những kiến thức lớn nhất và chắc chắn nhất không một trường lớp nào cho bạn được. Đó cũng chính là bước đệm vững chắc nhất để bạn xây dựng sự nghiệp khi trở về Việt Nam. Còn về vấn đề nổi tiếng hay nổi tiếng nhanh thì điều đó còn tùy thuộc vào khả năng, năng lực của bạn chứ không phụ thuộc vào việc bạn đi du học nước ngoài. Để thành công trong lĩnh vực thời trang ở Việt Nam là rất khó. Nó phải dựa vào nhiều yếu tố khác nữa.
- Chị thấy cách đào tạo chuyên ngành thời trang của nước ngoài và Việt Nam có gì giống và khác nhau?
- Tôi đã tốt nghiệp thời trang tại Việt Nam rồi mới quyết định đi du học, thật may tôi đã có một nền tảng kiến thức cơ bản để hội nhập với kiến thức thời trang thế giới. Việc giảng dạy ở trong và ngoài nước khác nhau nhiều lắm, từ hình thức giảng dạy, cách đặt vấn đề, các môn học phải làm sao tiếp cận với sinh viên một cách dễ hiểu nhất và thực tế nhất.
- Chị đánh giá thế nào về thời trang Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
- Ở các nước trên thế giới như: Pháp, Ý, Anh, Mỹ... họ có một nền công nghiệp thời trang rất phát triển. Còn ở nước ta, thời trang Việt Nam như một đứa trẻ đang tập đi. Chúng ta mới chỉ gia công với nguồn nhân lực dồi dào nhưng những sản phẩm chúng ta thiết kế, sáng tạo thì hoàn toàn chưa có và chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường. Và hơn thế nữa, chúng ta cũng không có một nền công nghiệp dệt, phụ kiện hay công nghệ nhuộm, in... Nếu để thời trang Việt Nam phát triển thì trước hết chúng ta phải tự sản xuất được chất liệu, vải vóc, phụ kiện may mặc... rồi mới tính đến việc thiết kế sản phẩm thời trang. Chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào các nước khác.
- Có ý kiến cho rằng đa số những NTK Việt Nam hiện nay đang mắc bệnh lười suy nghĩ thường đạo, nhái những thiết kế, ý kiến này liệu có cực đoan quá không?
- Nhận xét như thế chẳng khác nào đánh đồng và thiếu khách quan. Hơn nữa, cách nhìn nhận khái niệm “đạo” , “nhái” của mỗi người là khác nhau. Chúng ta hãy nhìn nhận các NTK Việt Nam đã làm được gì cho nền thời trang Việt Nam và cách tiếp cận của họ với thị hiếu khách hàng như thế nào. Các bạn thử nghiên cứu xu hướng thời trang các bạn sẽ thấy, thời trang là sự quay vòng và các NTK sẽ vận dụng xu hướng đó theo quan điểm của họ và chứng minh rằng họ đang kế thừa và sáng tạo.
- Nghề thiết kế thời trang đang được giới trẻ nhìn nhận “đầy hào quang”, là người trong cuộc, chị có thấy thế không?
- Để có được sự hào nhoáng họ sẽ phải làm việc, làm việc và làm việc. Khi dấn thân vào rồi thực tế sẽ dạy cho họ hiểu được lao động trong ngành này để thành công là rất khó và cần sự nỗ lực rất nhiều. Bạn không chỉ có tư duy, kỹ năng, nắm vững kiến thức … mà bạn cần phải có sự trải nghiệm. Nếu những ai nghĩ rằng học thiết kế thời trang sẽ trở nên nổi tiếng thì hãy cân nhắc kỹ. Chẳng có ngành nào giúp bạn nổi tiếng nếu bạn không nỗ lực hết sức và làm việc với đam mê thực sự của mình.
- Cái tên Lê Hà từng gây ấn tượng mạnh với những BST mang tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao nhưng những năm gần đây tên tuổi chị bỗng thưa vắng trên các sàn diễn thời trang, chị đang xây dựng cho mình kế hoạch gì đó chăng?
- Thời điểm mới về nước, tôi dành rất nhiều thời gian thiết kế những BST mang tính nghệ thuật nhưng một vài năm trở lại đây, tôi tập trung vào công việc kinh doanh, phát triển thương hiệu riêng, công tác đào tạo thời trang tại trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp và thời gian dành cho gia đình. Quỹ thời gian của tôi đã bị chia ra rất nhiều. Nhưng không vì vậy mà tôi quên làm những BST mang tính thẩm mỹ và quảng cáo hình ảnh thương hiệu. Chỉ có điều tôi làm nó nhẹ nhàng hơn, trầm lắng, tinh tế hơn mà thôi.
- Xin cảm ơn chị!