Thời gian chờ đợi kéo dài cả năm, nhiều doanh nghiệp lớn cũng không thể phát hành trái phiếu ra công chúng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù phát hành trái phiếu ra công chúng có nhiều ưu điểm vượt trội như huy động vốn nhanh, lãi suất thấp, hạ tầng giao dịch thuận lợi… song thủ tục phức tạp, thời gian chờ đợi lâu khiến ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng không thể phát hành.

Cửa hẹp dần cho nhà đầu tư cá nhân

Với Nghị định 65 vừa ban hành, nhiều ý kiến lo ngại thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ bị siết lại dẫn đến các doanh nghiệp khó có thể phát hành. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), Nghị định này không áp đặt thêm các điều kiện mới với phát hành TPDN riêng lẻ, chỉ tăng cường các điều kiện về công bố thông tin, giúp mọi việc được minh bạch hơn.

Tất nhiên, để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp phát hành phải triển khai thêm một số công việc, tăng thêm chi phí để phát hành. Nhưng, đây là điều cần thiết để xây dựng một thị trường minh bạch hơn trong tương lai.

Một trong những quy định mới là tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng, với quy định mới thì nhà đầu tư không chuyên “lách” quy định mua trái phiếu như trước đây sẽ không dễ.

Cụ thể, với quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề, thì nhà đầu tư phải có ít nhất 360 tỷ. Đó là điều hầu như không thể diễn ra với nhà đầu tư cá nhân.

Do đó, ông Thuân cho rằng, trước mắt quy định này sẽ ảnh hưởng cầu trái phiếu trong ngắn hạn. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số dư cuối tháng 7 cả thứ cấp và mua trực tiếp thông qua phân phối, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 32%/tổng khối lượng trái phiếu đang lưu hành. Với Nghị định 65, khó có thể kỳ vọng nhà đầu tư cá nhân tham gia nắm giữ 20% khối lượng phát hành chứ không nói đến 32%.

Các nhà đầu tư cá nhân sẽ không dễ lách quy định để mua trái phiếu doanh nghiệp

Các nhà đầu tư cá nhân sẽ không dễ lách quy định để mua trái phiếu doanh nghiệp

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, hiện nay, cấu trúc của thị trường vốn thiết kế rất nhiều kênh để doanh nghiệp huy động vốn, chứ không chỉ có mỗi trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Trong đó, trái phiếu có trái phiếu phát hành công chúng và riêng lẻ. Phát hành công chúng có thể tiếp cận mọi nhà đầu tư, không giới hạn thì chuẩn mực phát hành phải cao hơn. Còn phát hành riêng lẻ, rủi ro cao hơn nên dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp lớn cũng ngại phát hành ra công chúng

Dù vậy, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để phát hành ra công chúng. “Trong nền kinh tế không phải doanh nghiệp nào cũng xếp hạng AAA hết cả, ví dụ các công ty startup hay các công ty đang giai đoạn tăng trưởng thì sẽ có độ rủi ro cao hơn. Sau 1 thời gian đào thải, họ mới “chín”, ổn định cao hơn và bớt rủi ro. Đáng nói, bất cứ giai đoạn nào cũng cần huy động vốn” – ông nói.

Tương tự, ở bên cầu, nhà đầu tư cũng có khẩu vị rủi ro khác nhau. “Phải xác định rõ kiến trúc tổng thể của thị trường tài chính của chúng ta, sản phẩm nào, công cụ nào đi với đối tượng đầu tư nào, để không ngăn cản sự phát triển của thị trường, chúng ta luôn mở cho họ con đường và tìm đúng đối tượng nhà đầu tư phù hợp, giúp nguồn vốn trong nền kinh tế luân chuyển một cách hiệu quả, đúng với khẩu vị rủi ro của các bên tham gia” – ông Quỳnh nêu quan điểm.

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng rất hạn chế, mặc dù có nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín, đủ điều kiện phát hành ra công chúng. Vấn đề này, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, do thủ tục phát hành ra công chúng phức tạp hơn nhiều.

Muốn phát hành ra công chúng phải có phê duyệt của đại hội đồng cổ đông, nộp hồ sơ lên cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sau khi được UBCKNN phê duyệt, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ niêm yết và giao dịch như cổ phiếu niêm yết trên thị trường.

Trong khi đó, hồ sơ nộp lên UBCKNN thì thông thường thời gian xử lý rất lâu, doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành, dẫn đến không chủ động được hoạt động kinh doanh. Trong khi phát hành riêng lẻ thì họ chủ động hết, họ chỉ có mỗi trách nhiệm báo cáo.

“Từ hiện tượng đó, lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng vọt, trong khi phát hành ra công chúng lèo tèo (năm 2021 chiếm khoảng 5% tổng trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường). 95% đó có nhiều doanh nghiệp rất lớn, rất uy tín và có chất lượng mà không chọn phát hành ra công chúng” – ông Quỳnh nêu thực tế.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng chia sẻ, qua trao đổi với UBCKNN, nếu xử lý một bộ hồ sơ phát hành ra công chúng nhanh nhất là nửa năm và chậm nhất là phải 1 năm, bởi vì họ đang có quá nhiều hồ sơ. Do đó, ông cho rằng Nghị định 65 ra đời, nếu chỉ dừng lại ở đây mà không xử lý thủ tục bên phát hành ra công chúng thì sẽ tạo ra ách tắc ở cả 2 thị trường.