Thoát khỏi được là may

ANTĐ - Làm gì để nền kinh tế nước ta độc lập, tự chủ, phát triển bền vững và không phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài là chủ đề cuộc hội thảo vừa diễn ra, thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia trong và ngoài nước. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, để đạt con số ấn tượng mỗi năm giải ngân khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã dành quá nhiều ưu đãi về tín dụng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này nhiều năm liên tiếp nhập siêu, nhưng chỉ đóng góp 14% thu ngân sách.

Chính sách ưu đãi đã mang lại những thành công nhất định trong việc thu hút vốn vào một số lĩnh vực, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế như không đầu tư vào những khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa cũng như lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp. Một số chuyên gia nhận định, cần rút bớt những ưu đãi quá mức với nhà đầu tư nước ngoài để tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước. Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và ít phụ thuộc vào nước ngoài đều phải dựa vào nội lực. Dựa vào doanh nghiệp nước ngoài để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu “đẹp” chỉ mang tính hình thức nhất thời. Phát triển kinh tế tự chủ phải dựa trên quan hệ tương thuộc, chứ không phải lệ thuộc.

Nhìn vào dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, Trung Quốc đang đứng thứ 14/96 quốc gia với các dự án tập trung vào nhiệt điện, hóa chất, khai thác tài nguyên. Nguồn vốn của họ không lớn, chỉ là 7,84 tỷ USD, chưa lọt vào tốp 10 nhà đầu tư lớn nhất, song điều đáng quan tâm là cung cách dự thầu của doanh nghiệp nước này. Thực tế cho thấy, nhiều dự án mà họ làm tổng thầu thường chậm trễ, kéo dài thời gian thi công, yêu cầu chủ đầu tư bù giá, đội vốn! Hơn thế, khi bàn giao, đưa vào sử dụng, chất lượng công trình nhanh chóng đi xuống và phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Dù thông tin Bộ Thương mại Trung Quốc ra lệnh cho các doanh nghiệp nước này ngừng đấu thầu tại Việt Nam chưa chính thức, nhưng tín hiệu này cho thấy họ đang sử dụng “lá bài” kinh tế để thăm dò, hù dọa nước ta.

Giả sử nếu các nhà thầu Trung Quốc rút về không thi công, hàng chục dự án tỷ USD sẽ “đắp chiếu”. Điều này có thể gia tăng chi phí công trình, Việt Nam sẽ khó mời các nhà thầu khác hoàn thiện vì máy móc, thiết bị, công nghệ đều của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thiệt hại của các nhà thầu nước họ cũng không phải là nhỏ. Chúng ta đã có phương án xử lý nếu điều đó xảy ra, thậm chí đây chính là cơ hội để nước ta không phải hứng đựng những máy móc, thiết bị thừa ế, cũ kỹ, lạc hậu mà Trung Quốc đang muốn thải sang Việt Nam. Nước ta hoàn toàn có thể lựa chọn những đối tác có uy tín, kinh nghiệm làm ăn tử tế, đôi bên cùng có lợi.