Thoái nhưng không thất thoát

ANTĐ - Cuối cùng thì Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Còn việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty được thực hiện toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý nguồn nhân lực, ngành, nghề cho đến chiến lược phát triển, đầu tư, thị trường và sản phẩm.

Theo đề án, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ được phân loại theo 3 nhóm. Nhóm 1 là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Nhóm 2 là doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Nhóm 3 là các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không có khả năng “chữa trị” sẽ bán, chuyển nhượng, chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc buộc cho giải thể, phá sản. Chỉ nhìn qua việc phân loại, sàng lọc doanh nghiệp cũng đủ thấy đây là cả một “núi” công việc hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp. Một kế hoạch tái cơ cấu cả một “con tàu” đồ sộ gồm nhiều tầng, nhiều khoang mà bên trong ruột có quá nhiều bộ phận bị hỏng hóc, yếu kém, cần phải sửa chữa, thay mới, thậm chí loại bỏ.

Đây cũng được ví như một cuộc “đại tu” tàu biển trọng tải, sức chở lớn nhưng hoạt động ì ạch, kém hiệu quả kéo dài nhiều năm, trong khi đã ngấp nghé ra biển lớn. Thực ra, ngay từ đầu năm, khi hàng loạt tập đoàn, tổng công ty tổ chức các buổi lễ khá ồn ào cam kết cắt giảm chi phí gần 13.000 tỷ đồng, một số nhà kinh tế nhận định, đó là những bước đi đầu tiên trên hành trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, khu vực từng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quy trách nhiệm là nguyên nhân cơ bản gây hệ lụy kinh tế hiện nay. Dù chưa có lệnh “xuất phát”, song một số tập đoàn, tổng công ty đã khởi động tái cơ cấu theo cách của mình.

Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, tới nay mới có 7 tổng công ty, tập đoàn hoàn thành đề án tái cơ cấu trình Chính phủ, 35 đơn vị đang soạn thảo đề án và lấy ý kiến bộ, ngành. Nhiều doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính “bật đèn xanh” để bán đất “dư dôi” một cách chính thức, nếu một đề án của Bộ này được thông qua. Theo giới chuyên gia, đề án này dù trái với không ít nội dung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhưng sẽ mở đường cho một số tập đoàn bán số đất được cấp… dư thừa. Trong khi đó, theo công bố của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng số nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã “đẻ ra” tới hơn 1 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với 415.000 tỷ đồng mà báo chí trích từ dự thảo Đề án tái cơ cấu của Bộ Tài chính hồi đầu tháng 6 vừa qua. Chưa hết, hiện nay các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành tới 23.000 tỷ đồng so với tổng vốn chủ sở hữu 653.000 tỷ đồng. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành là một nội dung rất quan trọng của lộ trình tái cơ cấu.

Cơ chế giám sát nhiều tầng nấc nhưng thiếu hiệu quả đã dẫn đến tính trạng thất thoát vốn tại nhiều doanh nghiệp. Thoái vốn là yêu cầu bắt buộc, song phải chặn trước những lỗ hỗng gây thất thoát vốn. Nếu không sẽ lại “bịt lỗ hà ra lỗ hổng”. Thoát vốn nhưng không để lại thất thoát tiếp.