Thiếu sân chơi cho trẻ, chưa thể khắc phục ngay

ANTĐ -"Trong khi vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Tại các khu đô thị mới, khu nhà ở, chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ em. Tuy nhiên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn đặc biệt là về quỹ đất"- Đây là đánh giá được UBND TP.Hà Nội nêu ra tại phần trả lời chất vấn của cử tri tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.Hà Nội khóa XIV.  

 

Thiếu sân chơi cho trẻ, chưa thể khắc phục ngay ảnh 1Các chủ đầu tư khu đô thị mới chưa quan tâm dành quỹ đất xây dựng sân chơi cho trẻ

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng trẻ em tại các khu dân cư không có nơi vui chơi. Các thiết chế văn hóa thể thao tại cơ sở hầu hết không thiết kế các điểm vui chơi cho trẻ em.
Các cơ sở văn hóa tư nhân thường xa khu dân cư và thu giá dịch vụ cao, không phải nơi vui chơi thường xuyên của trẻ. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và thể lực của trẻ. Các cử tri đề nghị UBND TP cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp khắc phục?

Trả lời câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết, sân chơi cho trẻ em là một bộ phận phục vụ nhu cầu sinh hoạt của trẻ em trong đô thị và thường gắn với các khu vực dân cư. Các hoạt động vui chơi cho trẻ em còn được lồng ghép trong các điểm sinh hoạt cộng đồng, các vườn hoa công viên và công trình thể dục thể thao.

Qua rà soát sơ bộ toàn TP Hà Nội có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng,  trong đó 4 quận nội đô lịch sử có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ).

Trong thời gian qua, việc chỉ đạo đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã được TP quan tâm đầu tư, tuy nhiên nhu cầu khu vui chơi riêng cho trẻ em còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng.

Hầu hết các sân tập thể đều bị hàng quán lấn chiếm, trẻ em không còn chỗ vui chơi

Cụ thể, khu vực nội đô lịch sử có mật độ dân cư đông, mật độ xây dựng cao, thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Trong khi vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Điển hình như các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), khu tập thể Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tập thể ở Đội Cấn (quận Ba Đình)…

Thực trạng này có thể thấy do công tác quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng vào các mục đích khác đã dẫn đến các không gian bị lấn chiếm, thu hẹp, sử dụng sai mục đích làm bãi để xe, chợ cóc, hàng quán...

Ngoài ra, hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Trang thiết bị tại các khu vui chơi (sân chơi, vườn hoa) cho trẻ em chất lượng kém, lạc hậu, thiếu hấp dẫn, đặc biệt là khu vực các quận nội đô, khu đô thị cũ. Tại các khu đô thị mới, khu nhà ở, chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ em.

Để khắc phục thực trạng này đối với khu vực nội đô, khó nhất là không có quỹ đất. Giai đoạn trước mắt phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội trường học, nhà văn hóa ở các tổ dân cư, đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa, kể cả sân chơi nhỏ còn thiếu nhiều. Đây là thực trạng chưa thể khắc phục ngay được.

UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ngành rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em, nơi nào thiếu quỹ đất thì kết hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi.

Giải pháp cụ thể, giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc ngay từ bước lập quy hoạch phải xác định quỹ đất công cộng cấp đơn vị ở (trong đó có sân chơi trẻ em) tại các dự án đầu tư cải tạo, tái thiết tại các đô thị cũ, thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường. Bố trí khai thác quỹ đất sau khi di dời.

Đối với các khu tập thể phải cải tạo, xây dựng lại tuân thủ định hướng xây dựng cao tầng, giảm mật độ xây dựng, dành tỷ lệ quỹ đất phù hợp để bố trí các tiện ích phục vụ cộng đồng trong đó có các sân chơi cho trẻ em.

Đối với các quỹ đất trống sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện gây ô nhiễm, trụ sở một số cơ quan, các dự án chậm triển khai (bao gồm cả các khu đất công cộng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích) sẽ ưu tiên bố trí các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ khu vực, trong đó có quỹ đất dành cho sân chơi, hoạt động thể dục thể thao phục vụ trẻ em và dân cư khu vực...

Kiểm tra, rà soát các sân chơi bị chiếm dụng để có biện pháp giải tỏa, thu hồi đồng thời với việc bổ sung trang thiết bị dành cho các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong khu dân cư, khu tập thể. Xây dựng cơ chế, chính sách  kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đối với các dự án sân chơi, vườn hoa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.