Phải có giải pháp triệt để với xe đạp điện (3)

Thiếu kiểm soát, hại môi trường

ANTĐ - Dù đang lưu hành tràn lan nhưng loại xe này lại chưa có bất kỳ quy định nào về đăng kiểm cũng như bỏ ngỏ kiểm soát về môi trường, chất lượng, độ an toàn.
Thiếu kiểm soát, hại môi trường ảnh 1
Xe đạp điện nhập lậu không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng
không được kiểm soát, kiểm định đầy đủ


Chưa có tiêu chí nên khó quản lý

Phát triển với tốc độ nhanh chóng, ngoài tầm kiểm soát cũng như định liệu của cơ quan quản lý, xe đạp điện, xe máy điện hiện chiếm một tỷ lệ không nhỏ trên đường phố. Đáng nói, vì chưa có quy định rạch ròi nên vi phạm giao thông liên quan đến loại hình phương tiện này đang trở nên nhức nhối. Nhiều người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, đi lạng lách, phóng với tốc độ tương đương xe máy… 

Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận, đến nay xe đạp điện, xe máy điện vẫn chưa có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ban hành để kiểm soát, quản lý chất lượng nên đã dẫn đến “loạn” phương tiện này. Dù giữa năm 2013, Bộ GTVT đã giao cho Cục Đăng kiểm soạn thảo quy chuẩn, nhưng ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay, dự kiến trong tháng 11, Cục này mới trình Bộ GTVT  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về loại hình phương tiện xe đạp điện.

Theo đó, để phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện cần phải dựa vào các tiêu chí: động cơ, tốc độ xe chạy cũng như phải xem xe đó có hay không có bàn đạp. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho rằng, xe đạp điện là xe được lắp bàn đạp; được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được trợ lực bằng động cơ điện (Công suất động cơ không lớn hơn 250W); khối lượng xe không quá 40kg. Đặc biệt, khi lắp ráp, xe đạp điện chỉ được chạy với tốc độ tối đa dưới 25km/h.“Các loại xe điện 2 bánh không đáp ứng được một trong các tiêu chí nêu trên sẽ được xếp vào loại xe máy điện,” ông Trịnh Ngọc Giao khẳng định.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, rất khó để phân biệt xe đạp điện, xe máy điện vì về nguyên lý  hoạt động cơ bản giống nhau, do đó 2 loại phương tiện này nên gộp lại để dễ quản lý. Tuy nhiên, lãnh đạo  Cục Đăng kiểm bày tỏ, hai loại hình phương tiện trên cần phải tách bạch ra thì mới dễ quản lý: “Luật Giao thông đường bộ quy định xe máy điện thuộc nhóm xe cơ giới, xe đạp điện thuộc nhóm xe thô sơ. Vì vậy, việc gộp chung hai loại xe này để quản lý là không phù hợp...”. Bên cạnh đó, hiện nay, việc nhập khẩu xe đạp điện và xe máy điện vẫn đang được “thả nổi” bởi, loại phương tiện này không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy, việc kê khai nhập khẩu chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo. Trong khi đó, chiếm đến 80-90% xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường hiện nay là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguy cơ “ngập” ắc quy phế thải

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc nhìn nhận xe đạp điện như một loại phương tiện thân thiện với môi trường là chưa hoàn toàn chính xác. 

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho biết, xe đạp điện cần dùng từ 3 đến 4 bình ắc quy, trong khi tuổi thọ trung bình của các loại ắc quy này chỉ vào khoảng 2 năm. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác lượng xe đạp điện được nhập về Việt Nam, nhưng nếu tính với 10.000 chiếc xe đạp điện được sử dụng thì trong 2 năm sẽ thải ra môi trường từ 30.000 đến 40.000 bình ắc quy phế thải. “Việc thu gom lượng ắc quy này để tái chế theo đúng quy trình đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường là điều không thể. Nếu tái chế cần có những đơn vị có đủ kỹ thuật và xử lý đúng cách, nhưng phần lớn các ắc quy thải loại hiện nay đang được tái chế bởi những làng nghề”, ông Nguyễn Đình Hòe cho hay. Trong khi, đa phần các làng nghề đều tái chế bằng phương pháp thủ công gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. Nước axit được đổ trực tiếp ra môi trường và ngấm xuống đất, còn chì trong ắc quy được đun chảy gây ô nhiễm không khí, ngấm qua da, qua đường hô hấp rất độc hại với sức khỏe. 

“Sử dụng xe đạp điện hiện nay chủ yếu là học sinh, các cháu không phải thi sát hạch, không nắm được Luật giao thông. Ra đường có thể thấy nhiều cháu đi xe đạp điện nhanh hơn cả xe máy, không đội mũ bảo hiểm. Khả năng gây tai nạn cho bản thân và cho người khác rất dễ xảy ra”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe chia sẻ.

(Còn tiếp)