Thiếu chế độ ngắn hạn, bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi đó thời gian đóng tới 20 năm nên số lượng người dân tham gia chưa đáp ứng kỳ vọng.

Hờ hững với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo thống kê của Ban Quản lý Thu, sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), giai đoạn trước năm 2019, bình quân số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng khoảng từ 20-30% so với năm trước và bắt đầu tăng mạnh từ năm 2019. Đến nay, cả nước hiện có khoảng 1,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ đóng từ ngân sách Nhà nước cũng tăng qua các năm.

Cả nước hiện có khoảng 1,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Cả nước hiện có khoảng 1,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ví dụ như năm 2022 có 34.419 người thuộc hộ nghèo đã được hỗ trợ (30% mức đóng), 39.597 người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ (25% mức đóng), trên 1,38 triệu người được hỗ trợ đóng theo diện đối tượng khác (10% mức đóng). Ngoài chính sách hỗ trợ tham gia từ ngân sách Nhà nước được thực hiện từ năm 2018 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có 18/63 tỉnh hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, như: Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Mặc dù, người lao động đã dần nhận thức được tính ưu việt của chính sách, nhằm giảm bớt khó khăn khi về già, nhưng tỷ lệ người tham gia vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhóm soạn thảo cho rằng có nhiều lý do khiến người lao động không mặn mà với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó có việc so sánh chính sách thụ hưởng với nhóm bắt buộc.

Trong khi ở nhóm bắt buộc có các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, những người tham gia tự nguyện lại không có. Việc thiếu các chế độ ngắn hạn đã khiến nhóm tự nguyện cảm thấy phải chờ đợi rất lâu, ít nhất 20 năm đóng tối thiểu mới được hưởng thành quả mình đóng góp. Nhiều lao động phản ánh, quy định phải đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài. Ngoài ra, điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu mới được nhận lương hưu cũng không phù hợp vì lao động nghỉ hưu ở tuổi quá cao (60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam). Điều đó khiến nhiều người lao động không đủ động lực để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thay đổi để hấp dẫn hơn

Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Thể chế hóa chủ trương trên, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất bổ sung nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi luật mới có hiệu lực (dự kiến từ 1-7-2025) có thể hưởng lương hưu ở tuổi 55 với nữ và 60 tuổi với nam. Lao động không bị trừ 2% như trường hợp nghỉ hưu trước tuổi. Nếu đề xuất được thông qua, người tham gia ở khu vực tự nguyện được nghỉ hưu sớm 2 - 5 năm so với lao động ở khu vực bắt buộc.

Lý giải điều này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi tham gia đủ 20 năm bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam. Các cơ quan, tỉnh thành vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu trên cơ sở này. Trong khi đó, tuổi hưu đã tăng theo lộ trình trong Bộ luật Lao động năm 2019. Đề xuất nhằm phù hợp định hướng tăng tuổi hưu và kế thừa cam kết của Nhà nước, tránh ảnh hưởng niềm tin của người dân vào chính sách tự nguyện.

Tại báo cáo tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, có hơn 54.000 người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu. Như vậy, mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Luật Bảo hiểm xã hội quy định, chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện liên thông với chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc thông qua việc quy định điều kiện hưởng lương hưu giống nhau; cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội giống nhau; thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng dồn, linh hoạt cho người lao động.

Nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngoài đề xuất thay đổi về điều kiện hưởng lương hưu như trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất bổ sung chế độ thai sản với đối tượng này. Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con, nếu đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng trợ cấp với mức 2 triệu đồng cho một người con. Chế độ trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Hoàn thiện thể chế phải song hành với tổ chức thực hiện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Để đạt được điều này, từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Anh Thắng cho rằng, bên cạnh việc xây dựng, sửa đổi chính sách, cần nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức thực hiện chính sách. Cơ quan bảo hiểm xã hội cần thay đổi cách thức tuyên truyền phù hợp để người lao động có thể tiếp cận và dễ nắm bắt.

Còn theo các chuyên gia lao động, bên cạnh việc thu hút người lao động bằng các chính sách hỗ trợ, cơ quan quản lý cũng cần phải tính đến việc tạo thuận lợi về các thủ tục cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sau khi nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhân viên thu của tổ chức dịch vụ thu, người dân có thể thực hiện tra cứu, kiểm soát thông tin đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của mình.

Việc thông tin được công khai, minh bạch và quyền lợi của người tham gia luôn được đảm bảo sẽ tạo được lòng tin của người tham gia với chính sách. Hoặc người tham gia không cần trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội hay tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà có thể đóng, nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện online qua Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia với quy trình được tự động hóa mức độ cao; hoặc trên ứng dụng trực tuyến của một số ngân hàng đảm bảo giao dịch nhanh gọn, thuận tiện.