VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG AN NHÂN DÂN HIỆN NAY (BÀI 2):

Thiết thực vận dụng lời dạy của Bác về huấn luyện cán bộ trong Công an nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lời Tòa soạn: Ngày này 51 năm trước (21 tháng Bảy năm Kỷ Dậu 1969), trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Hàng năm, nhiều gia đình thành kính tưởng nhớ Bác Hồ vào dịp Quốc khánh và ngày giỗ Bác 21 tháng Bảy âm lịch. Nhớ đến công ơn trời biển của Người, lực lượng Công an nhân dân không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ để xây dựng hàng ngũ từng bước chính quy, hiện đại hóa. Nhân dịp này, Báo An ninh Thủ đô giới thiệu bài viết của PGS. TS Nguyễn Thị Hải Vân - một nữ học giả công an chuyên nghiên cứu lĩnh vực quản trị nhân lực, đề cập tới việc vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân.

Hiện nay toàn Đảng đang tiến hành chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “các cấp ủy cần chủ động cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ và nhân sự cấp ủy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng Đảng bộ”.

Để những công việc cụ thể nhằm lựa chọn được những cán bộ tốt cho Đảng thì việc quán triệt sâu sắc Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là đảm bảo cho thành công của đại hội đảng bộ các cấp, các ngành, chuẩn bị tốt cho Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Dưới đây là 5 giải pháp nhằm hiện thực hóa tư tưởng “Huấn luyện cán bộ” của Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an nhân dân (CAND) hiện nay.

Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ công an

Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ công an

Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong số 9 biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Thực tiễn cho thấy công tác đánh giá cán bộ sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ ra: Đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng chưa mạnh, năng lực của cán bộ chưa đồng đều, thậm chí còn một số cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Vì vậy, việc học tập, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ công an các cấp. Hồ Chí Minh luôn giáo dục cho cán bộ phải lấy đức là gốc của người cách mạng. Trong bối cảnh trăm công ngàn việc của những năm đầu cách mạng, Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng, giáo dục những chuẩn mực căn cốt của người cán bộ công an với tác phẩm nổi tiếng “Tư cách người công an cách mệnh”. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, chiến sỹ công an phải luôn rèn luyện tư cách đạo đức mà ngày nay mỗi cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân đều có thể thuộc lòng, nhưng không phải ai lúc nào cũng làm tốt được Sáu điều Bác dạy.

Trong hoàn cảnh hiện nay, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, chính là việc giáo dục, học tập cho đội ngũ CAND quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt và thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có như vậy thì cán bộ, chiến sĩ công an mới có đủ vũ khí sắc bén, hình thành tư duy khoa học, khắc phục sự nhận thức giáo điều, bảo thủ, lệch lạc, mơ hồ và hoài nghi.

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh và vị trí việc làm

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD), Nghị quyết số 26-NQ/TW đánh giá cao về công tác ĐTBD và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Đồng thời, cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác này như: Công tác ĐTBD cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc.

Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhấn mạnh: Mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

Do đó, nội dung, chương trình đào tạo hiện nay cần phải tập trung theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, phù hợp với từng đối tượng, công việc mà cán bộ đang đảm nhiệm. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc phải được xác định rõ về nội dung kiến thức, kỹ năng và phải có tính mở để cán bộ có thể lựa chọn các hình thức học tập phù hợp, thiết thực với nhu cầu công việc.

Thứ ba, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với thực tiễn, phục vụ thực tiễn

Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vì đây chính là những người cán bộ tiên phong, có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Mọi sự thay đổi của nhà trường phải nhằm đào tạo được những cán bộ có năng lực, kỹ năng mới như năng lực tổng kết thực tiễn; tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tư duy phân tích và tổng hợp; xử lý thông tin đa chiều...

Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với nhu cầu thực tế, nội dung đào tạo phải đảm bảo trang bị cho người học đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công việc. Ngoài việc trang bị kiến thức về lý luận, cần dành một thời lượng thích hợp cho kỹ năng thực hành trong cấu trúc chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với những đối tượng khác nhau để khi gặp những tình huống cụ thể, cán bộ có thể xử lý kịp thời và hiệu quả.

Thứ tư, thay đổi trong quản trị các học viện và nhà trường

Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ ảo trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ chiếm ưu thế. Chẳng hạn học viên sẽ được giáo viên hướng dẫn nhập các thông tin, dữ liệu vào hệ thống máy tính của nhà trường để phân tích. Những công việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Vì vậy, đội ngũ này cần được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT. Trong nhà trường sẽ có sự thay đổi về quy mô và cơ cấu đội ngũ giảng viên, các môn học có tính hàn lâm sẽ giảm dần thời lượng, các môn học về phát triển năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị sẽ được thay thế.

Với tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc không quản ngại khó khăn, sẵn sàng vì nhân dân phục vụ, hình ảnh người chiến sĩ Công an Hà Nội đã để lại ấn tượng tốt đẹp

Với tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc không quản ngại khó khăn, sẵn sàng

vì nhân dân phục vụ, hình ảnh người chiến sĩ Công an Hà Nội đã để lại ấn tượng tốt đẹp

Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong các nhà trường, học viện CAND

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, KHCN có phát triển hiện đại đến đâu thì cũng không thể thay thế được hoàn toàn vai trò của đội ngũ nhà giáo, mặc dù học viên có thể tự tìm kiếm tri thức, kỹ năng từ nhiều nguồn khác nhau thông qua mạng Internet. Vì thế, giảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm thì sự tác động này sẽ không làm mất vai trò chủ đạo của người thầy giáo. Đây cũng chính là áp lực không nhỏ đối với đội ngũ làm công tác giảng dạy trong các nhà trường, học viện CAND.

Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những chỉ dẫn và kinh nghiệm quý báu về huấn luyện cán bộ. Thấm nhuần lời dạy của Bác, học tập và làm theo tấm gương của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, với tinh thần đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CAND, tạo nên sự thống nhất về tổ chức quản lý đào tạo để từng bước chính quy, hiện đại hóa việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.