Thi tuyển lãnh đạo - Bước đột phá không dễ đi (5): Mở rộng thi tuyển, sẽ chấm dứt thời “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xung quanh chủ trương thi tuyển lãnh đạo. PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, nên mở rộng thi tuyển lãnh đạo càng sớm càng tốt để hạn chế các mặt tiêu cực trong công tác bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ hiện nay.

Công tâm, khách quan, không thể “chạy” được

- Hiện nhiều bộ, ngành, địa phương đang thí điểm thi tuyển lãnh đạo, chủ trương này sẽ tạo ra đột phá gì so với quy trình bổ nhiệm cán bộ vẫn làm lâu nay, thưa Phó Giáo sư?

Chuẩn bị bóc đề thi phục vụ kỳ thi tuyển 2 chức danh Trưởng phòng tại Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Chuẩn bị bóc đề thi phục vụ kỳ thi tuyển 2 chức danh Trưởng phòng tại Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

- PGS.TS Vũ Văn Phúc: Trước Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cho rằng, quy trình 5 bước về công tác cán bộ là chặt chẽ, không thể lọt người không đủ năng lực, phẩm chất vào cấp ủy các cấp và bộ máy lãnh đạo. Thế nhưng, từ sau Đại hội XIII đến nay, không ít cán bộ, kể cả Ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật. Có những trường hợp như ông Nguyễn Thanh Long mới làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Y tế được hơn 1 năm nhưng không vượt qua được cám dỗ, đã sa ngã, vi phạm đến mức phải truy tố… Điều đó cho thấy, quy trình 5 bước cũng chưa phải đã thật chặt chẽ hoặc nhiều khi là quy trình đúng nhưng chọn cán bộ sai. Một thực trạng hiện nay xã hội rất “dị ứng”, nhân dân rất không đồng tình nhưng vẫn phải nhắc đến, đó là việc bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn mới đến trí tuệ”…

Thực tế trên đặt ra vấn đề là cần nghiên cứu, tìm ra phương thức lựa chọn cán bộ sao cho đúng đắn nhất. Trong điều kiện hiện nay, phương thức thi tuyển để chọn cán bộ lãnh đạo quản lý sẽ đảm bảo khách quan, công bằng, công tâm hơn và là phương thức lựa chọn cán bộ đúng đắn nhất. Ưu điểm dễ nhìn thấy là khi thi tuyển, đơn vị tổ chức thi phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn biết thông tin và nộp hồ sơ. Chắc chắn sẽ có nhiều ứng cử viên dự thi hơn cho một chức danh. Nhiều người tham gia thi, ta sẽ chọn được người tốt nhất, như vậy sẽ rõ hơn về năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống.

Đã thi tuyển thì phải thành lập Hội đồng thi tuyển. Nếu chúng ta mời vào hội đồng này những nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thì họ sẽ là những giám khảo hoàn toàn công tâm, khách quan. Các ứng viên sẽ không thể “chạy” được tất cả thành viên hội đồng, điều này khác với giao quyền bổ nhiệm cán bộ cho một người như cách làm truyền thống. Vì thế, thi tuyển lãnh đạo sẽ giúp khắc phục được tình trạng chọn người theo “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”. Chắc chắn những người có ý định chạy chức, chạy quyền, chạy vị trí công tác sẽ rất khó khăn và chúng ta sẽ lựa chọn được người thực sự xứng đáng để giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.

PGS.TS Vũ Văn Phúc

PGS.TS Vũ Văn Phúc

- Thưa Phó Giáo sư, Hà Nội đang thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng và tương đương. Sau một năm thí điểm, thành phố có nên tiếp tục mở rộng việc thi tuyển?

- Chúng ta đã xác định phương thức thi tuyển cán bộ là rất tốt thì đương nhiên phải xem xét mở rộng. Hà Nội cũng như các địa phương đang triển khai thí điểm cần sớm áp dụng rộng rãi mô hình này, không phải chỉ thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, ban mà hoàn toàn có thể tổ chức thi tuyển đối với chức danh Phó Giám đốc, Giám đốc Sở hay Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND quận, huyện… Thậm chí, tới đây, sau khi đã có tổng kết thí điểm, ở Trung ương có thể mở rộng thi tuyển từ cấp Thứ trưởng trở xuống, còn ở các địa phương, có thể thi tuyển từ Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh trở xuống.

Nên sớm gạt bỏ các rào cản

- Một số bất cập trong thi tuyển được nhắc đến như ứng viên phải được quy hoạch ở vị trí tương đương, phải là đảng viên, phải công tác trong cùng Đảng bộ… Theo Phó Giáo sư, làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có tài được đủ điều kiện dự thi?

- Tôi cho rằng nên sớm gạt bỏ các rào cản đó. Ví dụ, nếu tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì các đồng chí nằm trong quy hoạch giám đốc sở, ngành khác hoàn toàn có thể dự thi. Chúng ta phải có “quy hoạch động và mở” chứ không khép kín. Cũng không nhất thiết quy định ứng viên phải có chuyên môn về ngành có chức danh thi tuyển, vì chúng ta chọn cán bộ lãnh đạo quản lý chứ không phải tuyển người làm chuyên môn.

Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay không phải là người có bằng cấp về y, dược. Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng là người trưởng thành từ ngành ngân hàng chứ không phải ngành giao thông. Các đồng chí đó vẫn đang hoàn thành tốt nhiệm vụ và được Trung ương đánh giá cao. Ngoài ra, có không ít người không phải đảng viên nhưng đang nắm giữ chức vụ cao tại một số cơ quan, đơn vị và thể hiện năng lực tốt. Nếu có quần chúng tốt, đủ năng lực, tiêu chuẩn tham gia dự thi, được Hội đồng thi tuyển lựa chọn thì vẫn nên bổ nhiệm. Về việc này, chúng ta phải học Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước mới khai sinh năm 1945, Bác Hồ đã kêu gọi các nhân sĩ, trí thức người Việt ở nước ngoài về đóng góp cho đất nước. Lúc này, đa số họ chưa phải là đảng viên, nhưng họ đã một lòng phụng sự, đóng góp to lớn cho đất nước về sau.

Phải mạnh dạn lên, đắn đo gì nữa!

- Thực tế cho thấy, còn tâm lý e ngại ở các ứng viên khi dự thi vào chức danh lãnh đạo quản lý ở các đơn vị khác. Có người còn cho rằng, chỉ các đơn vị có “đấu đá nội bộ”, không bố trí được cán bộ nguồn tại chỗ mới tổ chức thi tuyển?

- Khi một ứng viên tự nhận thấy mình đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đăng ký dự thi vào vị trí chức danh lãnh đạo ở đơn vị nào đó và họ xuất sắc vượt qua được kỳ thi 2 vòng (thi viết và thi trình bày đề án - PV), được Hội đồng thi tuyển đánh giá cao, thì chúng ta tin rằng họ có đủ năng lực để vượt qua áp lực. Chúng ta đã có bài học rất tốt từ chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng. Thời gian qua, rất nhiều cán bộ chủ chốt được Đảng luân chuyển từ Trung ương về địa phương, từ địa phương ra Trung ương; từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác… Rất nhiều cán bộ luân chuyển đã đạt được thành công, sau này được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cao hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng được một quy chế về thi tuyển cán bộ lãnh đạo thật chặt chẽ. Phải mạnh dạn lên! Thi tuyển cán bộ là phương thức rất đúng đắn trong bối cảnh hiện nay nên đừng băn khoăn, đắn đo gì nữa!

- Từng tham gia Hội đồng thi tuyển lãnh đạo ở một số cơ quan, đơn vị, Phó Giáo sư có theo dõi và ghi nhận hiệu quả việc thực hiện chủ trương này?

- Hiện nay, ở Ban Tổ chức Trung ương, tất cả các chức danh trưởng, phó các phòng đã tổ chức thi tuyển. Tôi được mời tham gia Hội đồng thi tuyển gồm nhiều chuyên gia, nhà khoa học… chấm điểm ứng viên thi tuyển vào các chức danh vụ trưởng, vụ phó, viện trưởng, viện phó thuộc Ban. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, các đồng chí cán bộ cấp vụ, viện được bổ nhiệm qua hình thức thi tuyển đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu đề ra, chưa thấy một phản hồi tiêu cực nào về các đợt thi tuyển hay Hội đồng thi tuyển.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Vũ Văn Phúc về cuộc trao đổi này!

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Nhân tài phải được giữ vị trí xứng đáng

Chính sách đãi ngộ nhân tài rất quan trọng. Có nơi mang căn hộ ra để chiêu mộ nhân tài như chính sách ưu đãi, có nơi lại đưa ra mức tiền lương cao... Nhân tài khao khát cống hiến, có lòng tự trọng, tính tự giác cao và phải được giữ vị trí xứng đáng. Nhưng nếu thu hút bằng vật chất thì không phải hấp dẫn thực chất với nhân tài. Bối cảnh đất nước hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề, từ việc xây dựng thể chế, chính sách thích ứng được với biến đổi của thế giới xung quanh đến bảo đảm mục tiêu phát triển đất nước nên chúng ta rất cần một thế hệ tinh hoa đủ tầm, nhận diện được quy luật vận động, phát triển của thời đại, xu hướng phát triển của đất nước để từ đó hoạch định được chính sách, con đường đúng đắn phát triển nước nhà. Đội ngũ này phải là người có kiến thức rộng, có tầm nhìn xa, am tường về luật pháp, vận hành được bộ máy, tuân thủ, tôn trọng pháp luật. Đất nước cũng đang cần đội ngũ nhà khoa học biết đi tắt, đón đầu trong công nghệ vì chỉ có công nghệ mới giúp đất nước bứt phá ngoạn mục. Cùng đó, chúng ta cần một đội ngũ chuyên gia am tường quy phạm kỹ thuật cũng như không thể thiếu đội ngũ cán bộ tham mưu, công nhân lành nghề theo từng lĩnh vực… Chính vì cần rất nhiều nhân tài ở nhiều vị trí như vậy nên cần sớm thể chế hóa chủ trương trọng dụng nhân tài bằng quy định pháp luật, để có thể vận dụng thống nhất ở tất cả ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn trên cả nước. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần phải có Luật trọng dụng nhân tài để làm khuôn khổ pháp lý có tính bắt buộc đối với toàn xã hội.