Thị trường trầm lắng, xuất khẩu dệt may có thể giảm trong 4 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trung bình 3,7-3,8 tỷ USD/tháng, nhưng 4 tháng còn lại của năm nay, xuất khẩu mặt hàng này dự kiến sụt giảm do thị trường trầm lắng.
Ngành dệt may tạo ra thêm nhiều giá trị thặng dư

Ngành dệt may tạo ra thêm nhiều giá trị thặng dư

Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua không có.

Mỗi tháng ngành có thể xuất khẩu được 3,7- 3,8 tỷ USD/tháng nhưng dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ đạt 3,1- 3,2 tỷ USD/tháng.

Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do thị trường thế giới đột nhiên trở nên “lạnh”, cầu giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021 nhưng giá hàng dệt may lại giảm 9%, hàng tồn kho tăng rất cao. Thêm vào đó, kinh tế vĩ mô ổn định, đồng tiền Việt Nam có giá trị cao so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ giảm 8% Trung Quốc 9% đồng nội tệ so với USD thì các ngành xuất khẩu của Việt Nam đang mất lợi thế về giá. Dự báo tình hình thị trường như vậy còn kéo dài đến năm 2023.

Tuy nhiên, ngành dệt may đã tăng đáng kể tỷ lệ nội địa hóa. Trong 8 tháng qua, nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may chỉ khoảng 13 tỷ USD. Như vậy, ngành dệt may đã tạo ra 17 tỷ USD thặng dư thương mại.

Tỷ lệ nội địa hóa của ngành 57% (cao hơn mức bình quân trong nhiều năm 50%), tiến gần hơn mục tiêu 60% vào năm 2025. Ngành dệt may đã tạo động lực để phục hồi nhiều doanh nghiệp ở các loại hình khác nhau.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành này, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị: Doanh nghiệp mua hàng trong nước để làm xuất khẩu được hậu kiểm và không bắt nộp trước VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa; nới room tín dụng đối với vay ngắn hạn.

Về trung hạn, doanh nghiệp dệt may xác định phải đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng cần có sự hỗ trợ hợp lý từ phía các ngân hàng.