Thị trường lao động Mỹ bớt nóng

ANTĐ - Với 3 tháng liên tiếp khối lượng việc làm mới được tạo ra ở mức trên 200.000 việc làm/tháng, nạn thất nghiệp ở Mỹ đã bớt hoành hành.

Quang cảnh Hội chợ việc làm ở New York

Những con số thống kê mới nhất cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 2 của Mỹ tiếp tục được duy trì ở mức 8,3%. Đây là tín hiệu đáng mừng với nền kinh tế số 1 thế giới vốn lao đao bởi cơn lốc suy thoái. Nhớ lại cách đây một năm, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từng vọt lên tới gần hai con số. Hệ quả là có tới hơn 15 triệu người Mỹ không có việc làm, trong đó 6,3 triệu người đã thất nghiệp từ 6 tháng trở lên.

Trong khi chính quyền của Tổng thống B. Obama khẳng định tạo thêm nhiều công ăn việc làm tiếp tục là một ưu tiên của Nhà Trắng, thì các chuyên gia kinh tế chỉ ra 7 lý do giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới này duy trì tăng trưởng việc làm trong thời gian tới. Trước hết, thời kỳ đen tối nhất của cơn lốc suy thoái đã qua, nhiều công ty bắt đầu thuê thêm nhân công khi nhu cầu sản xuất gia tăng. 

Hai là người tiêu dùng Mỹ nay đã có khả năng tài chính cao hơn. Khi thị trường việc làm phục hồi, người Mỹ cảm thấy ít lo lắng hơn và kết quả là họ hạn chế chi tiêu hơn kể cả khi phải đối mặt với các cú sốc như giá xăng tăng thêm 29 cent trong tháng qua. Ba là căng thẳng chính trị đã dịu bớt ở Washington do áp lực của năm bầu cử. Các hạ nghị sỹ Mỹ từ cả hai đảng đã ủng hộ một dự luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn về các khoản vay tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ để họ tuyển thêm nhân công và mở rộng sản xuất.

 Nguyên nhân thứ tư là sự phục hồi của thị trường nhà đất. Giá nhà đất đã giảm tới 30% từ năm 2006, làm thiệt hại 7.000 tỷ USD giá trị tài sản của chủ sở hữu và khiến hàng triệu công nhân xây dựng bị mất việc làm. Tuy nhiên, thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi. Một khi giá nhà ổn định, nhiều người Mỹ có khả năng sẽ quyết định chọn đây là thời điểm tốt để mua nhà. Việc cắt giảm chi tiêu của các chính quyền cấp bang và địa phương cũng không  còn tràn lan như trước cũng góp phần tạo thêm việc làm trong khu vực công.

Nguyên nhân thứ sáu là đe dọa từ khủng hoảng nợ châu Âu đã lắng dịu. Việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định cung cấp các khoản vay thời hạn 3 năm với lãi suất thấp trị giá 1.300 tỷ USD cho các ngân hàng kể từ tháng 12-2011 cùng việc Hy Lạp nhận được khoản cứu trợ trị giá 172 tỷ USD nhằm đối phó với nguy cơ vỡ nợ đã góp phần giúp thị trường tín dụng lấy lại niềm tin. Và nguyên nhân cuối cùng là các ngân hàng Mỹ bắt đầu cho doanh nghiệp vay nhiều hơn. Sau sự sụp đổ của tập đoàn tài chính Lehman Brothers vào tháng 9-2008 làm rung chuyển hệ thống tài chính Mỹ, các ngân hàng Mỹ đã cắt giảm các khoản cho vay kinh doanh năm 2009 và 2010. Tuy nhiên, theo Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), các khoản cho vay kinh doanh của các ngân hàng đã tăng gần 14% năm ngoái tới mức 1.350 tỷ USD.

Những tín hiệu tốt lành của nền kinh tế Mỹ, thể hiện qua thị trường lao động, đã xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn thận trọng khi cho rằng bất kỳ một sự kiện nào giống như vụ động đất ở Nhật Bản hay bất ổn gia tăng ở Trung Đông đều có thể đảo ngược xu hướng tích cực này. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao cũng có thể gây ra tác động tiêu cực. Liệu thị trường việc làm Mỹ đã đủ động lực để tránh tái lặp suy giảm như như đã từng xảy ra hồi giữa năm 2011 vẫn còn là nghi vấn.