Thị trường chứng khoán: Các nhà đầu tư nhỏ hãy giữ chắc túi tiền

ANTĐ - Có lẽ chỉ có thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mới có được những bước tăng trưởng nhảy vọt, chỉ 3 tháng đã thấy thiên đường với mức tăng điểm lên đến hàng trăm điểm, gần 30% và cũng ở đây, cũng chỉ mất 3 tháng thị trường đã có thể cho các nhà đầu tư thấy địa ngục với mức suy giảm cũng tương tự. 

(Minh họa Internet)

Những cơn suy giảm hay tăng trưởng mỗi ngày 5-7% đã trở nên thường trực chả cần một ông Kiên ông Cang nào đó bị bắt hay ai đó vỡ nợ nữa. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, năm 2013, TTCK Việt Nam là một trong 10 TTCK tăng trưởng cao nhất thế giới và kỷ lục đó đang tiếp tục lặp lại. 3 tháng đầu năm nay, TTCK Việt Nam (VN-Index tăng 19%, HNX-Index tăng 33%) là thị trường tăng mạnh nhất thế giới, trong khi nhiều TTCK lớn khác như Mỹ, Nhật Bản có mức tăng nhỏ, thậm chí TTCK Trung Quốc còn suy giảm trong giai đoạn này.

Đã có một sự hưng phấn mới, một sự tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế và hoạt động các doanh nghiệp (DN) niêm yết đã sôi động lại? Có rất nhiều dấu hiệu về sự tăng trưởng chắc chắn và chậm của nền kinh tế, nhưng tình hình hoạt động của các DN, đặc biệt, của các DN niêm yết trên TTCK thì không phải vậy. Lý giải thế nào cho đợt tăng trưởng của TTCK với mức tăng thiên đường và mức giao dịch vài nghìn tỷ đồng/ngày?

Sự tăng trưởng đáng ngờ của TTCK

Một trong những nguyên nhân tăng trưởng nóng của TTCK chính là các báo cáo tài chính của các công ty niêm yết. Trái với kết quả sản xuất kinh doanh cả năm hầu hết đều không đạt được kết quả mong muốn, lỗ hoặc lợi nhuận không đáng kể so với vốn chủ sở hữu, nhưng kết quả kinh doanh quý IV/2013 đều rất khả quan. Chính kết quả kinh doanh quý cuối cùng của năm cũ cùng với quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đã tạo ra niềm tin về một thời kỳ phát triển sau khủng hoảng. 

Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN), một công ty khốn khổ vì cú lừa lịch sử của “siêu lừa” Nguyễn Anh Quân và sự bất động của thị trường BĐS đẩy tới bờ vực phá sản. SHN đã tái cơ cấu mạnh mẽ với hàng loạt động thái tích cực như chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án BĐS; dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược; cơ cấu nợ... SHN bất ngờ báo lãi hơn 64 tỷ đồng quý IV-2013 nhờ chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án Tây Mỗ. Cuối 2013 và đầu 2014, cổ phiếu SHN đã có cú bứt phá ngoạn mục với giá từ dưới 1.000 đồng tăng vọt có lúc lên gần 8.000 đồng. Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM) hồi cuối tháng 3-2014 đã có 16 phiên tăng trần liên tiếp cũng do kết quả kinh doanh quý IV có khả quan. Nhìn trên diện rộng, có thể thấy, trong quý IV năm 2013, nhiều DN đã hoạt động khởi sắc trở lại do chi phí tài chính giảm mạnh. Nhiều DN vẫn ăn nên làm ra như trong lĩnh vực cảng, taxi, một số DN BĐS, mía đường, cao su... Tuy nhiên, sự phục hồi cũng không thực sự ấn tượng. Bên cạnh đó, rất nhiều DN vẫn cảm thấy khó khăn bởi sức cầu thấp.

Tuy nhiên, SHN vừa công bố lãi 64 tỷ quý trước, nay công bố doanh thu quý I-2014 chưa đến 1 tỷ đồng và lỗ 1,4 tỷ đồng. Giá cổ phiếu rơi xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM) sau 16 phiên giá cổ phiếu tăng trần cuối tháng 3-2014 đã nhận quyết định hủy niêm yết từ 15-5 tới do thua lỗ liên tiếp 2 năm liền, âm vốn chủ sở hữu tới 112 tỷ đồng. Và dĩ nhiên giá cổ phiếu của DN này rơi xuống giá giấy vụn. Không còn là hiện tượng đơn lẻ, hàng loạt công ty niêm yết báo lỗ trong quý I-2014. Hàng loạt các DN BĐS, xây dựng và vật liệu xây dựng lỗ như: Hữu Liên Á Châu (HLA) lỗ 152 tỷ đồng trong quý II-2014 (niên độ từ 1/1/2014-31/3/2014); Địa ốc Khang An (KAC) lỗ 3,1 tỷ đồng; Xây dựng điện Vneco4 (VE4) lỗ 42,6 triệu; Đầu tư PV2 lỗ 1,4 tỷ đồng; Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) lỗ gần 1,7 tỷ đồng; Viglacera Từ Sơn (VTS) lỗ 416 triệu đồng; Sơn Đông Á (HDA) lỗ gần 3,9 tỷ đồng... Nhiều DN vận tải biển thua lỗ nặng như Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ sau thuế 38,2 tỷ đồng trong quý I/2014; Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP) lỗ gần 15 tỷ; Vận tải biển Vinaship (VNA) lỗ gần 10 tỷ; Vận tải Vinaconex (VCV) lỗ 95 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ... Một số DN thủy sản thế mạnh của Việt Nam và một số công ty chứng khoán trong thời kỳ TTCK giao dịch sôi động trở lại nhưng vẫn báo lỗ như: Chứng khoán Viễn Đông (VDSE), Chứng khoán Hồng Bàng (HBSC), Thủy hải sản Việt Nhật (VNH), Thủy sản An Việt (AVF)... Điều đáng nói trong các DN thua lỗ nói trên, nhiều DN đang ở trong tình cảnh khá tệ hại, và nhiều đơn vị dường như không có lối thoát.

 VCV là một trường hợp như vậy. Trong quý I-2014, DN này không có nổi một đồng doanh thu. VCV đã bán tàu Vinaconex Lines và công ty đang tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi vẫn phát sinh chi phí và gánh thêm lỗ khác. Giải trình nguyên nhân thua lỗ, VCV cho biết là do công ty đã bán tàu để trả nợ gốc vay đầu tư mua tàu và không còn hoạt động. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DN lên tới âm 196 tỷ đồng. Gần đây, VCV đã nhận quyết định hủy niêm yết cổ phiếu ngay trong tháng 5-2014 do 3 năm thua lỗ liên tiếp. Không chỉ VCV, rất nhiều DN vận tải biển khác đang ở trong tình trạng nợ lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu và nhiều đơn vị đối mặt với tình trạng thua lỗ nhiều năm liên tiếp do kinh tế suy giảm, giá vận tải thấp, hàng hóa ít trong khi chi phí hoạt động và chi phí tài chính lớn. Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), Vận tải biển Vinaship (VNA), VOSCO (VOS)... cũng thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 2 năm trước đó; Hàng hải Đông Đô (DDM) đã hủy niêm yết từ 10-4 do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp...

Đáng lo sợ là hầu hết giá cổ phiếu của các DN này trong quý I-2014 đều tăng đáng kể, thậm chí nhiều cổ phiếu tăng trần liên tiếp. Tại sao những DN mang “trọng bệnh”, thậm chí “hấp hối”, nhưng cổ phiếu vẫn được mua bán rầm rộ để khi “ung thư” đã phát ra ngoài thì các nhà đầu tư mới đau khổ khi biết mình ôm mớ giấy lộn không bảo chứng! Đó cũng chính là đặc điểm của TTCK Việt Nam, một thị trường mua bán những giá trị không gắn với tài sản DN, giá trị ảo do thị trường đẩy lên bằng những kỹ thuật tin đồn, kỹ thuật làm giá, do những “tay to”, những “tổ lái” khống chế.

Từ đỉnh cao trong tháng 3-2014, Vn-Index lên đến mức gần 610 điểm, HNX-Index đạt mức gần 90 điểm, đóng cửa phiên giao dịch ngày 6-5, Vn-Index giảm 9,74 điểm, chốt tại 555,11 điểm, HNX-Index giảm 0,82 điểm, chốt tại 76,55 điểm.  

Sự điều chỉnh này hoàn toàn phù hợp với kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trong quý I-2014. 

Người trong muốn ra, người ngoài muốn vào

Trong khi hàng loạt các công ty niêm yết bị đình chỉ giao dịch, nhiều công ty chủ động ngừng giao dịch rút ra khỏi TTCK sau những cay đắng, những lăn lộn bởi giá cổ phiếu, trước cơn sóng tăng trưởng của TTCK quý I-2014, rất nhiều công ty lại chuẩn bị ra sàn. 

Công ty CP C.E.O đang cùng với đơn vị tư vấn là Công ty CK MB (MBS) hoàn tất các thủ tục niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Mục tiêu của C.E.O là sẽ chào sàn trong quý III-2014. Công ty hiện có vốn điều lệ 343 tỷ đồng. Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam là doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết trên HNX từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn. CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam sẽ cố gắng để lên sàn trong năm nay. Hiện Công ty có vốn điều lệ 216 tỷ đồng. Trong năm 2014, ngoài kế hoạch chào bán 7 triệu cổ phiếu để tăng vốn (vốn hiện tại là 430 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động, CTCK Thiên Việt (TVS) dự kiến sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trong quý III-2014. Tại ĐHCĐ mới đây của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng đã trình xin cổ đông về kế hoạch niêm yết trong thời gian tới.

 Đại diện Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, hiện Sở đã tiếp nhận một số hồ sơ xin niêm yết, dự báo số DN nộp hồ sơ niêm yết sẽ tăng mạnh sau tháng 4, khi các DN có báo cáo kiểm toán và được ĐHCĐ thông qua. Trong kế hoạch đưa các DN lên niêm yết mới trong năm 2014, HOSE đặt mục tiêu khối lượng cổ phiếu niêm yết mới trong năm nay cao hơn nhiều so với năm 2013 và đạt tương tự so với năm 2012. Còn HNX đặt mục tiêu đưa thêm tối thiểu 15 DN lên niêm yết mới (cao gấp đôi so với năm 2013). Trong khi đó, với chủ trương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đã được Nghị quyết của Chính phủ thông qua, dự kiến trong năm 2014 và 2015 sẽ có trên 400 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Như vậy, trong thời gian tới sẽ bùng nổ số lượng DN lên sàn, trong đó có những DN lớn, hoạt động hiệu quả, giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn cổ phiếu để đầu tư hơn.

 Mặt khác, số DN có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc và một số DN xin hủy niêm yết tự nguyện có xu hướng tăng, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, nhất là những nhà đầu tư đang trực tiếp nắm cổ phiếu của các DN này. Nhưng đáng sợ nhất là tính minh bạch của TTCK thì vẫn chưa thể có cách nào cải thiện được. Các công ty chứng khoán vừa làm tư vấn vừa kinh doanh cổ phiếu. Vậy thì tư vấn cho lợi ích của ai? Theo chúng tôi, TTCK không chỉ có sóng mà cả sóng thần chúng tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư nhỏ hãy giữ chắc túi tiền của mình, đừng bước chân vào chốn hang hùm nọc rắn này.