Thế giới tình yêu của G8

ANTD.VN - Nhóm G8 của hội họa Việt Nam được thành lập năm 2006 gồm 8 họa sĩ đang sống và vẽ tại Hà Nội và TP.HCM, công bố triển lãm chung đầu tiên, khai mạc lúc 17h ngày 24-2-2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Xem tranh họ, thấy đầy nhựa sống và khát vọng. 

Mùa Xuân Sapa, 1,2x3,6m, họa sĩ Bùi Mai Hiên

4 họa sĩ nữ, 4 họa sĩ nam, cùng sáng tác, cùng hội tụ, đem đến một phá cách liên hoàn. Đó là sự đa dạng phong cách, đề tài, chất liệu… để phòng tranh là một thế giới sắc màu, mà hình ảnh cuộc sống và con người qua đôi mắt những nghệ sĩ say cái đẹp, thành một thế giới khác, kết nối và thăng hoa. Không đặt tên cụ thể cho triển lãm, mỗi người 6 tranh muốn tặng chuỗi tác phẩm mới nhất và trao quyền đặt tên cho người xem.

Trừ Đỗ Đình Cường (SN 1979, quê gốc Quảng Ngãi), 7 họa sĩ đều là người gốc Bắc, một nửa G8 sống tại TP.HCM, nửa kia tại Hà Nội. Xuất thân và hiện làm công việc khác nhau thuộc lĩnh vực mỹ thuật và văn hóa, sử dụng chất liệu và bút pháp khác nhau cùng tạo nên loạt tác phẩm thuộc nhiều trường phái, với điểm chung: tư duy mỹ thuật và tình yêu với con người - thiên nhiên. 

Dám khác chính mình

Trong ý thức mỗi lần xuất hiện là đưa ra tác phẩm mới về nội dung, đề tài, cách thể hiện, G8 làm nên sự bất ngờ cộng hưởng. Sự lạ của mỗi thành viên chính là ở việc họ nỗ lực và dám khác chính mình. Người khác biệt toàn diện là họa sĩ Bùi Mai Hiên, chị cả của nhóm. Là một trong các họa sĩ sơn mài nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam đương đại, Bùi Mai Hiên đã tận lực với chất liệu truyền thống độc đáo này hơn 30 năm. Khi có tuổi, bỗng một ngày, chị bị cấp cứu vì dị ứng sơn.

Đúng là “sinh nghề tử nghiệp”, hết lòng bao năm, có thành tựu nhưng cũng phải trả giá vì chất độc của sơn ngấm vào da. Sau trận ốm khá dài ấy, chị buộc phải đổi sang vẽ acrylic. Chuyên chú một chất liệu nào đó lâu năm, khi chuyển sang chất liệu khác, không dễ dàng thành công. Nhưng với họa sĩ này, sự hào hứng và bước đầu thành công với acrylic qua nhận định của đồng nghiệp, khiến Mai Hiên tin, chị đã được acrylic chọn, chứ không đơn thuần chị chọn và có duyên với nó. 

Sự đổi khác lớn nữa là bao năm Mai Hiên vẽ trừu tượng, nay lại chuyển qua hiện thực ấn tượng. Sinh ra tại Thái Bình, lên 8 tuổi, cả gia đình chị chuyển lên Hà Nội, sống tại nội thành và gắn bó hơn nửa thế kỷ qua ở Thủ đô. Mai Hiên là một họa sĩ thành công thời hội họa đổi mới, sớm có triển lãm ở nước ngoài, cũng như có tranh trong các bộ sưu tập quốc tế.

Chị yêu miền núi. Những năm gần đây, năm nào chị cũng dành thời gian sáng tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mỗi lần đi là chụp ảnh, ký họa, về là có tác phẩm mới. Sẽ không lo thiếu tế nhị khi khen chị rằng: qua tuổi 60 mà sức làm việc liên tục, với ý thức làm việc chuyên nghiệp như Mai Hiên thật đáng nể, không ngày nào chị không cầm cọ vẽ. Không vẽ không chịu được, đấy không chỉ là ý thức làm việc chuyên nghiệp, mà là đam mê, cảm hứng sống của Mai Hiên. 

Sau khai mạc, nhóm G8 sẽ cùng nhau lên Tam Đảo để sáng tác. Từ tháng 3, nhóm 4 họa sĩ của G8 lại tiếp tục vẽ mới để chuẩn bị cho triển lãm của nhóm Sắc màu lần thứ 7 cũng tại bảo tàng này, cũng với họa sĩ 2 thành phố này. Nhưng mỗi lần xuất hiện đều phải mới và khác. 

Chị đặc biệt cảm tình với Sapa. Nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia đã đến Sapa, có cảm hứng sáng tác với thị trấn du lịch xinh đẹp này; song không mấy ai chuyên chú vẽ Sapa. Bùi Mai Hiên là trường hợp hiếm, khi say sưa chọn Sapa làm đề tài của giai đoạn sáng tác này. Chị yêu Sapa đến mức mua 100m2  đất trên sườn núi Lao Chải, 32m2 mặt tiền nhìn xuống thung lũng Mường Hoa; em trai chị là họa sĩ Bùi Minh Đức xây thành ngôi nhà 3 tầng đầy hoa, cây, gần gũi thiên nhiên, với 6 phòng nghỉ. Đây là nhà sáng tác của hai chị em, cho khách du lịch thuê kiểu homestay, nơi các họa sĩ mỗi lần lên Sapa có điểm ghé qua. Căn nhà mang tên Thuyền mây này đã đi vào hoạt động 2 tháng nay.

 Cảnh sắc, ánh sáng, không gian và con người Sapa đi vào tranh Mai Hiên không chỉ là nệ thực. Hiện thực trên toile của Mai Hiên là hiện thực được nhìn qua con mắt trong trẻo và mơ mộng, như họa sĩ Trần Thùy Linh nhận định: “Đó là người đàn bà trẻ thơ, cuộc trở lại bản ngã, khám phá bản thân”. Mây, gió, bầu trời, ruộng bậc thang, núi rừng, bản làng đều bồng bềnh, bay bổng. Sự trong vắt và mơ mộng trong tranh Sapa của Mai Hiên là cách giữ Sapa tuyệt vời. Một Sapa không bị thương mại, du lịch hoá.

Một Sapa trong vắt, có chiều sâu, như cổ tích, mà lại khoáng hoạt, hiện đại. Họa sĩ có tranh lớn nhất G8 lần này là Mai Hiên. Diện tích của hai phòng trưng bày, mỗi họa sĩ chỉ có thể chọn 6 tranh. Mai Hiên chỉ có 3 bức, vì bày tranh lớn. Lớn nhất là Mùa xuân Sapa (1,6x3,6m, gồm 3 tấm, tác phẩm hoàn thành sát khai mạc), 2 tranh còn lại đều 80x100cm: Khoảnh khắc Sapa, Mây Sapa. Sapa tiếp tục là đề tài trong thời gian tới của Mai Hiên. 

Tranh hoa đỏ mang tên Về miền yêu thương, 97x130cm, họa sĩ Trần Thuỳ Linh

Tư duy mỹ thuật và tình yêu với con người, thiên nhiên

Nguyễn Thị Lan Hương (1961) từng học và sống ở Thái Nguyên, nay là giảng viên mỹ thuật của Đại học Hòa Bình. Nhà và xưởng vẽ của chị bên hồ Tây, nơi có đầm sen đẹp. Vẽ về sen được như chị khó tìm. Lần xuất hiện này, chị cũng chọn chất liệu acrylic, bộ tác phẩm trừu tượng và bán trừu tượng: Những con đường bên trong.

Vắng sen của Lan Hương, thì lại đầy hoa do Trần Thùy Linh (1964) mang đến. Sinh trưởng ở Hà Nội, sau khi du học ở Leipzig (Đức), năm 1988 về nước, chị định cư ở TP.HCM. Hai năm nay, chị đã mua căn hộ tầng 6 tại chung cư 20 tầng trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội. Con trai lớn của chị hiện học tại Đức, 2 con gái sống ở Australia, nên chị và chồng thành “vợ chồng son”. Anh ủng hộ chị, tạo mọi điều kiện sáng tác, thường đi cùng chị trong những lần triển lãm nhóm ở Mông Cổ, Hàn Quốc…, đã đặt chân đến 30 nước trên thế giới, vừa du lịch, vừa sáng tác. Lần xuất hiện này của Trần Thùy Linh là cuộc “quay lại kép”: quay lại sống ở Hà Nội, quê hương thân yêu, nơi chị sinh trưởng, bố mẹ và người thân đang sống; quay lại vẽ hoa sau 7 năm.

Hoa của Trần Thùy Linh không phải trong bình mà là chân dung hoa. Bộ tác phẩm Thế giới hoa gồm 6 bức sơn dầu bán siêu thực 1x1,3m, vẽ: đào, cúc, mẫu đơn, phù dung, anh túc đẹp mê hồn. Riêng hoa poppy được ưu ái vẽ ba bức:  Sau cơn mưa, Về miền yêu thương, Như thuở ban đầu. 

Tỉ mẩn, kiên nhẫn, công phu nhất là họa sĩ Trần Thanh Thục (SN 1960), một trong rất ít các họa sĩ theo đuổi tranh cắt vải. Chị có kho sưu tập nhiều loại vải trong và ngoài nước. Bền bỉ hơn 30 năm nay, Trần Thanh Thục gắn bó với tranh cắt vải, hoàn toàn dùng vải sưu tập để sáng tạo, nương theo kho vải của mình không kí hoạ trước, vì lệ thuộc vào màu vải tự nhiên, không dùng bảng màu, cọ vẽ, không đính dán thêm gì khác.

Trần Thanh Thục từng có triển lãm cá nhân Nhịp Xuân tháng 4-2015. Chị lặng lẽ làm việc với phong cách tả thực, đưa thiên nhiên Việt Nam vào tranh với cảm xúc ngợi ca, tôn vinh, hình tượng hoá cảnh vật theo màu thiên nhiên, phong cảnh. Lần này chị đưa ra những tác phẩm về miền núi. Đấy cũng là cách để họa sĩ bảo vệ những vẻ đẹp của đất nước mình. 

Người trẻ nhất nhóm - họa sĩ Đỗ Đình Cường đồng điệu với đàn chị Trần Thanh Thục bằng bộ tác phẩm phong cảnh trên chất liệu sơn dầu - khắc gỗ. Lớn tuối nhất trong nhóm là họa sĩ Trần Quang Hải (1956). Ông trình làng bộ tác phẩm Thôn nữ vẽ ma mị, đầy khiêu khích, đậm cá tính trong một không gian siêu thực, sâu thăm thẳm nhờ những lớp sơn ta. Họa sĩ Thái Vĩnh Thành (SN 1970, quê Vĩnh Phúc) cũng dùng chất liệu acrylic qua bộ Thiếu nữ mùa Xuân.

Những cô gái của Thành nude mà vẫn kín đáo, ý nhị, vừa hiện đại vừa truyền thống, gần gũi, nhờ cách xử lý bề mặt và tạo hình đặc trưng. Hoa là người, người là hoa. Hai vẻ đẹp ấy tôn vinh và nhấn mạnh trong tranh của Lâm Thanh (1962). Anh cũng ra Hà Nội từ trước Tết, cùng Trần Thùy Linh. Đây là hai họa sĩ phía Nam ra Hà Nội sớm nhất và ắp đầy cảm xúc với Thủ đô, bởi anh được sống và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở đây, vẫn còn mẹ già ở Hà Nội.

Quý ông đẹp trai, nho nhã này có những hoạ phẩm quyến rũ bởi kiều nữ trong tranh lụa anh đẹp như những nàng tiên. Hoa và người trong tranh Lâm Thanh thanh khiết, quý phái và bí ẩn, như những nàng tiên, để ta chiêm ngắm, để khát khao, mà cũng không quá cách xa. Lụa là chất liệu khó vẽ.

Họa  phải làm chủ được đường nét, bởi lụa dễ thấm màu, nhưng sức gợi qua sự mềm mại của lụa thì thật tuyệt vời, và rất Việt Nam. Các nàng của Lâm Thanh như bước ra từ quá khứ, nuột nà ngọc ngà tựa tiên đồng ngọc nữ bên những bông sen tinh khiết, nude đầy gợi cảm mà thánh thiện. Những người Nữ của các hoạ sĩ đàn ông ấy là những thế giới khác biệt đầy phong phú và đều ăm ắp nội tâm.