Thế giới đã cung cấp rộng rãi dịch vụ 5G, Việt Nam vẫn triển khai bước một

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm qua, song dưới góc nhìn doanh nghiệp, mức độ cải thiện còn khiêm tốn.
Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Sáng nay (3-3), Bộ KH-ĐT phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị “Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội”.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, Nghị quyết 02 thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị quyết lựa chọn 9 vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 gồm: Cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh;

Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; Thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính; Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát;

Chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) bày tỏ sự ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Tuy vậy, vẫn còn 4 vấn đề lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa thấy cần tiếp tục cải cách.

Chẳng hạn, đại diện VINASME chỉ chấm 5/10 điểm đối với việc phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Tôi thấy nói rất nhiều và nói từ lâu về trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và dữ liệu lớn… nhưng trên thực tế Việt Nam mới chỉ chập chững nghiên cứu các lĩnh vực này. Hay trên thế giới hiện nay có tới 1.336 thành phố thuộc 61 quốc gia cung cấp dịch vụ 5G, trong đó có 5 nước ASEAN là Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đã triển khai, Brunei đã thí điểm tại 5 địa điểm sân bay, khách sạn, trung tâm mua sắm, còn Việt Nam mới thử nghiệm trong phạm vi hẹp tại một số địa phương.

Các con số này cho thấy tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất chậm và chưa tận dụng được lợi thế người dùng Internet ở trong nước”.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Thân đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.

Đồng thời, tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nêu thực tế, doanh nghiệp vẫn phải chịu hàng loạt thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, dẫn đến tốn kém và dễ làm phát sinh tiêu cực.

Ngoài ra, VASEP đánh giá còn nhiều bất cập, vướng mắc trong thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng; Thủ tục hành chính chồng chéo… cần rút gọn hơn.

Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nêu ý kiến, chuyển đổi kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn cho nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn.

Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech, edtech và nền kinh tế sáng tạo. Để phát huy hết tiềm năng của mình, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với các thông lệ quốc tế vì việc dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa, dịch vụ và dữ liệu ngày nay càng ngày càng tăng với độ bảo mật cao.

“Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm các tiêu chuẩn toàn cầu - Việt Nam hiện có yếu tố rủi ro bị xâm nhập rất cao và việc nâng cấp hệ thống là điều hết sức quan trọng”- đại diện Amcham nói.

TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cải cách cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Đình Cung gợi mở cách triển khai hiệu quả Nghị quyết 02 là không dàn đều nỗ lực cải cách trên tất cả các lĩnh vực, mà cần kế thừa, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực đã có kết quả bước đầu như: kiểm dịch thủy sản nhập khẩu hoặc các rào cản khác đã xác định, có thể nhỏ, đơn lẻ những tác động có thể rất lớn)

Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương cần dành nguồn lực và quan tâm thích đáng để hóa giải phần nào sự kháng cự lại xu thế cải cách, cũng như các nỗ lực (đang nhen nhóm) phục hồi lại những công cụ quản lý Nhà nước đã lỗi thời, phục hồi lại một số quyền, lợi đã mất; làm hại đến môi trường kinh doanh, sau đó tập hợp các sáng kiến, kiến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh một cách tổng thể.

Cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).