Thanh tra di tích có sư tử đá ngoại lai

ANTĐ - Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL, từ cuối tháng này, Cục sẽ phối hợp cùng Thanh tra Bộ thành lập đoàn kiểm tra đối với các di tích có sư tử đá cùng các hiện vật có nguồn gốc từ nước ngoài, trái với lịch sử, kiến trúc, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nhân dịp này, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Đình Thành - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Bộ VHTT&DL.

 Cặp sư tử đá dữ dằn ở sân chùa Bạch Nao, Thanh Oai, Hà Nội

- Thưa ông, những hiện vật lai căng mà cụ thể ở đây là tượng sư tử đá bắt đầu xuất hiện trong di tích Việt từ khi nào?

- Việc này rộ lên từ khoảng hơn chục năm nay. Đó là khi đời sống nhân dân được cải thiện, các di tích được quan tâm, trùng tu tu bổ nhiều. Thời điểm này, ở nhiều di tích hệ thống thờ tự còn nghèo nàn, rồi trải qua chiến tranh, mất cái này, mất cái kia. Khi đó đã có nhiều tổ chức, cá nhân cung tiến hiện vật vào di tích tín ngưỡng, hoặc sư trụ trì tự sắm về. Vì thế đã xảy ra tình trạng trên. 

- Chính sự cung tiến thiếu ý thức đó đã làm sai lệch hồ sơ hiện vật di tích?

- Cung tiến có nhiều loại, có khi là cung tiến câu đối đại tự, đèn thờ, vật liệu kiến trúc. Nhưng theo tôi nghiêm trọng nhất là cung tiến sư tử đá vào đình, đền, chùa. Đó là thứ không phù hợp với di tích Việt.

- Vậy ta có nên đưa ra một chuẩn nào đó cho việc cung tiến hiện vật hay không?

- Văn hóa vốn đa dạng. Di tích kiến trúc các miền đều rất khác nhau. Ngay cả làng này với làng kia di tích cũng đã khác nhau rồi. Hiện tại, có quá nhiều di tích đã xuống cấp cần được ưu tiên, rồi phải tập trung khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới, tiến hành đào khảo cổ... Hơn nữa, để làm lại một bộ hồ sơ di tích cũng tốn kém không ít công của, vì thế trước mắt chúng tôi đang cố gắng bảo vệ nguyên trạng. Nhất là sau thời điểm năm 2009 khi ra đời Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung. Tất cả các hiện vật đưa vào di tích sau thời điểm 2009 thì cơ quan quản lý địa phương được phân cấp phải chịu trách nhiệm.

- Trong khá nhiều cuộc họp về Quản lý di sản, lãnh đạo một số Sở VHTT&DL có than phiền rằng, rất ngại loại bỏ sư tử đá vì hiện vật còn mang yếu tố tâm linh?

- Tâm linh hay không thì các nhà khoa học đã phân tích kỹ rồi. Đó là thứ không phù hợp với văn hóa của chúng ta. Đã đến lúc phải kiên quyết, cứ sư tử đá là đưa ra.

- Việc Thanh tra sẽ tiến hành bắt đầu từ bao giờ?

- Hiện chưa có lịch chính xác nhưng tôi nghĩ sẽ tiến hành sớm, chắc chỉ cuối tuần sau.

- Cơ quan thanh tra có gặp áp lực gì khi mang những con sư tử đá đắt giá ấy ra khỏi di tích hay không?

- Bộ VHTT&DL hoàn toàn không có áp lực gì. Chúng tôi kiên quyết làm, không thể dung dưỡng cho việc làm đi ngược lại truyền thống văn hóa của đất nước. Đúng là vừa qua, một số địa phương cũng bỏ qua cho chuyện này. Ví như đôi sư tử đá ở Đền Và đã ầm ĩ từ năm 2010, không biết Hà Nội đã đưa ra chưa?

PGS Trần Lâm Biền: “Đó là sự thiếu hiểu biết...”

Thanh tra di tích có sư tử đá ngoại lai ảnh 2
“Tôi cực kỳ bức xúc với chuyện sư tử ngoại lai án ngữ đình chùa Việt. Nếu bạn hỏi tôi nguyên nhân nào mà “đẻ” ra chuyện đó thì cho tôi nói thẳng đó là sự ngu dốt và thiếu hiểu biết. Tôi không phân tích sâu chuyện thiếu hiểu biết này bởi báo chí nói nhiều rồi. Lại cũng đừng nói là cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là các Sở VHTT&DL không biết. Họ biết, nhưng không cương quyết. Như thế có nghĩa, họ tự đặt họ ra ngoài vùng quản lý của pháp luật ở lĩnh vực này. Họ điềm nhiên không coi trọng tài sản mà họ quản lý cũng như tài sản mà cha ông họ bao đời gây dựng. Họ còn sợ hãi, sợ những người có chức quyền. Sư tử đá mua được chẳng phải rẻ, cũng chẳng dễ, để nó ngự được trong di tích thì người cung tiến ấy phải có quyền thế nào? Ví dụ tôi từng vào di tích thờ vua Quang Trung ở Bình Định, tôi thấy hai con sư tử đá cao ngất ngưởng. Tôi thẳng thắn góp ý bảo họ nên đưa ra, người ta rỉ tai tôi là của ông này, ông kia…

Với những trí thức, những người có kiến thức về bảo tồn kiến trúc, mỹ thuật cổ… thấy sư tử đá xuất hiện tràn lan như hiện nay đau đớn lắm. Đau đấy nhưng thấp cổ bé họng, có kêu cũng chẳng ai nghe. Lần này, Bộ VHTT&DL thành lập đoàn thanh tra, tôi rất mừng. Nhưng Thanh tra nên đến tận nơi, chỉ việc tận nơi, lập biên bản ngay lập tức yêu cầu đưa ra thì mới nghiêm được. Ví dụ như chùa Vua ở Hà Nội có tới 8 con sư tử đá thì nên để lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội cùng đi, để họ có biện pháp xử lý luôn và ngay. Cũng đừng ngại chuyện linh thiêng, nên nhớ rằng khi một thứ trái chiều, ngược quy luật đưa vào di tích là việc làm ảnh hưởng đến uy thế thần linh Việt. Nếu đưa ra thì mới phục hồi lại uy lực và sự linh thiêng. Đó là việc để lại phúc đức, tại sao sợ? Càng nhanh đưa dị vật ra thì càng tốt đẹp”.