Thành lập cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ 24/24h

ANTĐ - Sáng qua (23-1), Bộ Công an đã tổ chức họp báo công bố 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17-8-2012 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (QĐ 1110); Quyết định 44/QĐ-TTg ngày 15-10-2012 Quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC (QĐ 44); biện pháp tổ chức triển khai thực hiện 2 Quyết định nêu trên của Bộ Công an.

Cảnh sát PCCC là lực lượng thường trực trong công tác cứu nạn, cứu hộ

Thông tin về QĐ 44, Đại tá Nguyễn Văn Tươi - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an cho biết: Việc tìm kiếm CNCH trong các sự cố lớn, mang tính thảm họa như lũ lụt, sóng thần, động đất, sập hầm lò, tràn dầu trên biển... lâu nay được giao cho các đơn vị có liên quan thuộc Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. “Công tác CNCH trong tai nạn, sự cố lao động, sản xuất, sinh hoạt, hiện pháp luật chưa quy định lực lượng chuyên trách nào đảm nhiệm, nên khi xảy ra các sự cố trên, việc tổ chức CNCH của các đơn vị tham gia thường lúng túng, hiệu quả không cao, không khắc phục kịp thời thiệt hại.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành QĐ 44, quy định, giao cho Cảnh sát PCCC là lực lượng chuyên nghiệp thường trực CNCH hàng ngày trong tình hình mới. Theo quyết định của Thủ tướng, ngoài Cảnh sát PCCC, lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH còn gồm: dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành. Các lực lượng này sẽ tham gia CNCH trong các tình huống: có người bị nạn, mắc kẹt trong cháy nổ; trên sông suối, ao hồ, giếng nước, hố sâu có nước, khu du lịch, vui chơi giải trí, bãi tắm; sự cố lở đất đá, sập nhà, công trình; trong các phương tiện khi xảy ra TNGT đường bộ, đường sắt, đường sông; có người mắc kẹt trong nhà, thang máy, trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, công trình ngầm...

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, QĐ 44 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra giải pháp quy hoạch giai đoạn từ 2013-2015 sẽ tập trung hoàn thiện bộ máy, tổ chức, biên chế của lực lượng PCCC; thành lập mới 12 Sở Cảnh sát PCCC, 90 đội chữa cháy, 108 đội CNCH chuyên nghiệp; xây dựng 3 Trung tâm ứng cứu khẩn cấp PCCC và CNCH quốc gia... Đáng chú ý, Thủ tướng còn cho phép đầu tư trang bị các phương tiện chữa cháy, CNCH, xe thang, xe cứu hộ dưới nước.

Thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH cho biết: Tổng cục đã hướng dẫn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên toàn quốc, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết về nhiệm vụ thường trực CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC, để kịp thời thông tin về tai nạn, sự cố theo số điện thoại 114. Tổ chức thường trực về CNCH 24/24h, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ngay khi có yêu cầu...