Thảm họa từ “siêu lợi nhuận”

ANTĐ - Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 25-2, phiên tòa dân sự xét xử vụ tràn dầu thế kỷ của Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh BP đã diễn ra tại thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ. 

Thu dọn dầu trên bờ biển Alabama

Gần ba năm trước, ngày 20-4-2010, giàn khoan Deepwater Horizon nằm cách bờ biển Louisiana của Mỹ 50 dặm đã đột ngột phát nổ và chìm xuống biển, làm chết 11 công nhân. Chưa dừng ở đó, trong vòng 86 ngày kể từ khi vụ nổ xảy ra, từ giàn khoan này, gần 200 triệu gallon dầu thô, hàng chục triệu gallon khí tự nhiên và 1,8 triệu gallon tấn hóa chất chưa rõ nguồn gốc đã tràn vào vùng biển phía bắc Vịnh Mexico. 

Đây là sự cố tràn dầu khủng khiếp nhất trong lịch sử từ trước tới nay, gây thảm họa sinh thái cho khu vực rộng hơn 1.500 km2, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của các loài sinh vật biển và toàn bộ hệ sinh thái ngập mặn của hai bang dọc Vịnh Mexico của Mỹ. Quy mô thảm họa lớn đến nỗi Chính phủ Mỹ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 5 bang thuộc vùng duyên hải bờ Đông.

Giờ đây nhìn lại, người ta mới thấy sự tắc trách của những người lãnh đạo BP. Phát biểu tại phiên tòa, đại diện bên nguyên - Chính phủ Mỹ đã đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy sai phạm mang tính hệ thống của BP trong công tác đảm bảo an toàn hoạt động khai thác dầu khí. Để tiết kiệm chi phí và thời gian, Ban lãnh đạo Tập đoàn này đã bỏ qua, thậm chí dung túng cho các sai phạm này. 

Theo luật sư J. Roy, đại diện cho hàng nghìn người dân và các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực và thiệt hại từ vụ tràn dầu thế kỷ này, đây không phải lần đầu tiên Công ty Transocean của Thụy Sĩ, đối tác của BP và đồng chủ sở hữu dàn khoan Deepwater Horizon bị nổ gây tràn dầu, gặp các sự cố kiểu này. Đây là vụ tràn dầu thứ 7 trong vòng 17 tháng tại các giếng dầu mà Transocean khai thác. Theo ông Roi, điều này cho thấy công tác đảm bảo an toàn khai thác dầu khí tại Transocean hết sức lỏng lẻo.

Phải mất hơn 3 tháng với chi phí lên tới 4 tỷ USD, BP mới có thể bịt được lỗ hổng rò rỉ từ giếng dầu. Tập đoàn Dầu khí lớn này của Anh đã phải thu hẹp quy mô, bán đi khối tài sản trị giá 30 tỷ USD (tương đương 20% trị giá tài sản của mình) để trang trải các án phạt, công tác dọn dẹp, chương trình tái thiết, bồi thường, đền bù phá hủy sinh thái, hoạt động kinh doanh, du lịch và phục hồi danh tiếng.

Nhưng tiền cũng chưa giải quyết hết hậu quả. Các cơ quan y tế Mỹ phát hiện có một tỷ lệ không nhỏ người dân bang Louisiana, Alabama, Texas, Florida và Mississippi mắc các triệu chứng bệnh lý như dị ứng, lở loét, cùng những dấu hiệu bất thường trong gan, phổi, máu, tuyến giáp hoặc hệ thần kinh… Nguyên do chính được đưa ra lý giải cho các triệu chứng trên là hiện tượng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm hệ sinh thái từ những vệt dầu loang.

Cùng với đó, ngành công nghiệp đánh cá và du lịch của các bang nói trên của Mỹ cũng hứng chịu tác động khi sản lượng đánh bắt tôm, cua, cá và các loài hải sản khác của ngư dân mỗi ngày một kém. Thậm chí, nhiều nơi đã ngừng thu mua hải sản có xuất xứ từ đây vì lo ngại nhiễm độc. Nước biển và những bãi cát ven bờ cũng nhuốm đầy dầu và hắc ín, làm phá sản ngành du lịch địa phương… 

Chắc chắn cái giá BP phải trả do chạy theo “siêu lợi nhuận” sẽ còn chưa dừng ở đây. Tập đoàn này sẽ còn phải bỏ ra nhiều tỷ USD nữa để bồi thường theo phán quyết của phiên toà đang diễn ra ở New Orleans.