Thái độ đáng quý với lịch sử

ANTĐ - Bộ phim hoạt hình lịch sử Đại chiến Bạch Đằng của nhóm sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Quốc tế Hồng Bàng đang gây xôn xao dư luận. Mặc dù chỉ là một tác phẩm tốt nghiệp và được đánh giá là chưa thực sự xuất sắc nhưng bộ phim đã chuyển tải được những giá trị lịch sử nhất là trong thời điểm hiện nay. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng Vũ Đức Thịnh, trưởng nhóm thực hiện phim.

Một cảnh trong phim 

- PV: Chỉ 2 tháng sau khi được đưa lên mạng, tác phẩm tốt nghiệp của các bạn đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, cảm nhận của các bạn như thế nào?

- Vũ Đức Thịnh: Xuất phát từ mong muốn được làm một bộ phim về đề tài lịch sử, chúng tôi đã bàn bạc, báo cáo với thầy giáo hướng dẫn Phan Văn Bảy và đi đến thống nhất sẽ làm một bộ phim hoạt hình lấy chủ đề chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Đầu tiên, mục đích của nhóm chỉ mong sẽ làm được một tác phẩm tốt nghiệp thật ý nghĩa. Thông qua tác phẩm, những bạn trẻ sẽ có thêm kiến thức về lịch sử dân tộc. Thật không ngờ, bộ phim đã gây được tiếng vang, nhất là trong cộng đồng mạng. 

- PV: Chọn một đề tài lịch sử cho bộ phim hoạt hình liệu có phải là quá sức với một đội chỉ có 6 người với nguồn kinh phí hỗ trợ từ gia đình?

- Vũ Đức Thịnh: Ban đầu chúng tôi cũng định làm một đề tài khác sẽ dễ dàng hơn cho việc tạo hình nhân vật, phối cảnh. Tuy nhiên, sau khi được các thầy cô động viên góp ý, cả nhóm đã quyết tâm thực hiện đề tài này. Ban đầu, chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Đầu tiên là về kinh phí, phần lớn các bạn trong nhóm khi thực hiện tác phẩm này đều đang đi học phải dựa vào gia đình. Cũng may mọi người đều ủng hộ. Cho đến lúc này, cũng không ai có thể thống kê chính xác số tiền đã sử dụng để làm bộ phim này, nhưng thỏa niềm đam mê của mình là hạnh phúc đối với chúng tôi rồi. 

- PV: Được biết, các bạn đã rất kỳ công tìm hiểu để tác phẩm thuần Việt nhất, tôn trọng lịch sử nhất.

- Vũ Đức Thịnh: Có một khó khăn là các tư liệu lịch sử về thời kỳ này không còn nhiều. Ngoài các kiến thức được học trong SGK, chúng tôi còn phải tìm hiểu thêm ở thư viện, nhất là qua cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, tìm hiểu tài liệu về trận đánh, cách viết kịch bản, lời bình sao cho mỗi cảnh phim đều gây xúc động… Bên cạnh đó cũng tìm kiếm thêm những thông tin trên mạng để có thể đưa vào trong tác phẩm những chi tiết, hình ảnh đậm chất Việt. Ngoài các vấn đề xử lý kỹ thuật, chuyên môn, chúng tôi còn cần một người hướng dẫn về văn hóa, lịch sử, triết học, xã hội học… để đề tài và đồ án chuyển tải được tính nhân văn, đi vào cuộc sống. Cả bộ phim được thực hiện trong hơn 3 tháng mà chúng tôi đã bỏ ra nửa tháng trời để tìm hiểu, đọc các sách sử. 

Nhóm sinh viên thực hiện Đại chiến Bạch Đằng

- PV: Sau sự thành công của tác phẩm này, liệu các bạn có tiếp tục các dự án phim hoạt hình về đề tài lịch sử?

- Vũ Đức Thịnh: Không chỉ phim hoạt hình về đề tài lịch sử mà ngay cả phim hoạt hình theo hướng giải trí cũng có ít đất sống ở Việt Nam. Đó là bởi  kinh phí đầu tư, công nghệ kỹ thuật của chúng ta đều khá lạc hậu so với các nước trong khu vực. Nói thế nhưng tôi vẫn tin là dần dần sẽ có những chuyển biến tích cực từ phía công chúng khi tiếp nhận những bộ phim hoạt hình Việt Nam về đề tài này. Đó còn là thái độ của chúng ta đối với lịch sử. Sự đón nhận của khán giả qua tác phẩm của chúng tôi thực hiện đã chứng minh được rằng, khán giả không hề quay lưng với phim hoạt hình lịch sử. Còn về dự định tiếp tục thực hiện dòng phim này, tôi xin phép chưa tiết lộ. Bởi, hiện nay một số bạn trong nhóm sau khi ra trường đã có công việc ổn định. Riêng tôi chưa đi làm ở đâu vì vẫn muốn thực hiện những dự án phim ảnh mới.

- PV: Ở Việt Nam không có đất cho những bộ phim hoạt hình, vậy hướng đi tương lai của các bạn thế nào?

 - Vũ Đức Thịnh: Sau khi ra trường rất ít sinh viên tiếp tục tâm huyết làm phim hoạt hình. Nhiều bạn đi làm thiết kế, đồ họa quảng cáo, game..., chủ yếu thiên về xử lý kỹ thuật. Thậm chí tôi được biết, có những bạn tiếp tục theo nghiệp làm phim nhưng lại là gia công cho các hãng phim nước ngoài. Như vậy vẫn chỉ là làm thuê, và phim vẫn là phim của nước ngoài. Riêng tôi, sau khi ra trường, nhiều khả năng sẽ đầu quân cho một công ty game. Mặc dù tâm huyết với phim hoạt hình nhưng phần lớn sinh viên đều cho rằng, phim hoạt hình ở Việt Nam vẫn chưa có đất chiếu. Một khi không tìm được đường ra cho tác phẩm thì dù có yêu nghề, có tâm huyết làm hoạt hình đến đâu có lẽ cũng phải bỏ nghề. Nhưng trước mắt, chúng tôi có nhiệt huyết của tuổi trẻ, có khát khao khẳng định mình. Và sự ủng hộ vừa qua sẽ tiếp thêm dũng khí cho chúng tôi tiếp tục. 

- PV: Cảm ơn Thịnh về cuộc trò chuyện này.