Thách thức với châu Á

ANTĐ - Vẫn được xem là “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế thế giới, song châu Á được cho rằng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ bên trong và bên ngoài để tốc độ phát triển GDP không sụt giảm trong năm 2014.

Thị trường chứng khoán châu Á sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu FED thu hẹp chương trình mua trái phiếu

Tờ Bưu điện Tài chính của Canada ngày 4-12 dẫn một báo cáo mới của tập đoàn Citigroup Capital Markets đã liệt kê 5 vấn đề sẽ ảnh hưởng đến các thị trường châu Á trong năm 2014. Tác động lớn đầu tiên mà Citigroup Capital Markets chỉ ra là viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu, hay còn được gọi là gói cứu trợ kinh tế thứ 3 của Mỹ (QE-3).

Nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ phục hồi ổn định, FED bắt đầu triển khai QE-3 từ tháng 9-2012, theo đó mỗi tháng tung vào thị trường 85 tỷ USD để mua lại các trái phiếu thế chấp dài hạn. Mục tiêu của gói cứu trợ này nhằm kích thích kinh tế phát triển để hạ tỷ lệ thất nghiệp từ mức cao kỷ lục 8% xuống mức có thể chấp nhận được, dự kiến khoảng 6,5%. 

Trước sự phục hồi ổn định của kinh tế trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang giảm dần, FED được cho là đã tính tới việc sẽ thu hẹp dần QE-3 để tránh gây thêm áp lực lên gánh nặng nợ công khổng lồ của nước Mỹ. Bà Joanna Chua, chuyên gia kinh tế của Citigroup Capital Markets, cho rằng các nhà đầu tư và châu Á cần chuẩn bị đối phó tốt hơn với việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu của FED. 

Là những quốc gia xuất khẩu cũng như sự tăng trưởng phụ thuộc vào vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển trên thế giới, châu Á rất trông đợi vào sự hồi phục của các nền kinh tế này. Tuy nhiên, Citigroup    Capital Markets đánh giá sự phục hồi kinh tế tại các nền kinh tế phát triển sẽ làm lợi cho các thị trường châu Á với mức thấp hơn trước đây, có nghĩa là rủi ro thấp hơn nhưng lợi nhuận cũng thấp hơn đối với các nhà đầu tư.

Ngoài những tác động bên ngoài, châu Á còn phải đối mặt với những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế. Trong đó đáng lo nhất là xu thế sụt giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc vốn được xem như chiếc động cơ quan trọng nhất của đầu tàu kinh tế châu Á khi tốc độ tăng trưởng của nước này được dự báo chỉ đạt 7% năm 2014, mức tăng trưởng thấp kỷ lục, thấp hơn cả mức 7,8% của năm 2012 (mức thấp nhất trong 23 năm qua của Trung Quốc).

Bên cạnh đó, châu Á cần phải xử lý để ổn thỏa sự ổn định của đồng Nhân dân tệ, hiện đã trở thành đồng tiền huy động vốn thương mại lớn thứ 2 toàn cầu, cũng như sự gắn kết của các đồng tiền khác trong khu vực với đồng Nhân dân tệ. Cuối cùng, Citigroup Capital Markets tỏ ra lo ngại những diễn biến chính trị, như các cuộc bầu cử tại Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan trong năm 2014 có thể ảnh hưởng tới nỗ lực cải cách cơ cấu rất cần thiết.

Trước báo cáo của Citigroup Capital Markets, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra báo cáo “Triển vọng phát triển kinh tế 2013” cho rằng đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới này sẽ đạt 6,2% năm 2014, thấp hơn so với mức 6,7% dự báo trước đó.  ADB khuyến nghị, trong bối cảnh tài chính toàn cầu bất ổn, các nước châu Á, nhất là các nước đang phát triển, cần đẩy nhanh tốc độ cải cách hơn nữa để vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng và phát triển.