Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên với phương pháp giáo dục "Kỷ luật không nước mắt"

ANTĐ - Th.S Trần Thị Ái Liên đã sống 20 năm ở Mỹ, Thạc sỹ Chính sách Công, Đại học Berkeley (Mỹ), từng là cố vấn chính sách của Project Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, giảng viên Đại học Berkeley, Mỹ và Đại học Hoa Sen Việt Nam. Ở New York, chị làm cho Capital Group, một trong 3 hãng tài chính nổi tiếng nhất ở Mỹ với mức lương 80.000 USD. Nhưng chị lại  đột ngột bỏ việc, về Việt Nam theo đuổi mục tiêu đem đến một phương pháp nuôi dạy trẻ tốt nhất cho trẻ em Việt Nam.  Phương pháp “Kỷ luật không nước mắt” (Báo ANTĐ cuối tuần số 426 đã đưa), một phương pháp nuôi dạy trẻ  do chị diễn thuyết đang gây cơn sốt trong các bậc cha mẹ hiện nay.

- Chào chị Ái Liên. Rất nhiều người muốn biết vì sao chị bỏ một công việc tốt ở Mỹ về Việt Nam làm công việc từ thiện này?

- Lúc đó tôi làm việc cho ngành tài chính lương rất cao nhưng không cảm thấy có ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình phục vụ cho những người giàu có nhất trong khi tuổi thơ mình thì nghèo khổ nên muốn giúp người nghèo hơn. Bố mẹ tôi rất tiếc nuối vì công việc của tôi là việc mà rất nhiều người ước ao mà không có được. 

- Đã có ai nói chị khùng chưa? Chị có bao giờ hối hận vì mình đã chọn một con đường khó khăn và chông gai hơn? Cơ duyên gì khiến chị nghĩ là chị phải làm công việc thiện nguyện này?

- Nhiều người nói tôi khùng lắm, và tôi cũng thấy mình khùng thật. Có những lúc đen tối cùng quẫn đến mức mà tôi chỉ muốn đi thẳng ra phi trường để bay về nhà. Nhưng trên đường đi thì gặp một chị bế con nhỏ hỏi mình có phải là Ái Liên không, rồi chị cám ơn tôi vì tôi chỉ cách massage mỗi ngày mà con chị biết bú và bắt đầu nói chuyện nhiều hơn xưa. Lúc đó tinh thần tôi lên lại và lại tiếp tục “nằm gai nếm mật” đến bây giờ. Tôi chưa bao giờ ân hận mà ngày càng thấy thích thú hơn. Từ nhỏ tôi đã rất uất ức khi thấy trẻ em bị không được nói, bị đánh đập, la mắng oan nên tôi ước ao là khi lớn lên tôi sẽ là người diễn thuyết để thuyết phục mọi người không làm như vậy nữa.

- Chị có thể kể một chút về phương pháp dạy con của bố mẹ chị khi chị còn bé không?

- Bố mẹ tôi không bao giờ đánh con, cũng không bao giờ lớn tiếng với nhau trước mặt con cái. Mẹ tôi hay kể chuyện để gợi ý dạy một bài học gì đó. “Con biết không bà hàng xóm, con bà ấy làm . . . Mạ thấy thương bà ghê, nếu mạ là bà chắc mạ buồn chết”. Thế là tôi sợ và lòng dặn lòng không làm điều đó nữa. Còn ba tôi thì hay ngồi coi tivi chung rồi có tình huống hay thì ông phân tích để các con rút kinh nghiệm. Năm 68 tuổi mà ba tôi còn đi leo núi và tắm suối với anh chị em tôi và các cháu.

- Dưới góc độ là một chuyên gia về nhi khoa, chị có thể chỉ ra những sai lầm trong việc dạy con của các bậc cha mẹ Việt Nam? 

- Đa số cha mẹ Việt Nam muốn con mình nghe lời họ thay vì hướng dẫn cho con đâu là đúng sai để con làm theo quyết định đúng sai của riêng bé. Họ quên rằng nếu bé nghe lời họ vì sợ thì khi ra đường bé sợ ai bé cũng sẽ nghe theo người đó. Nếu bé làm vì thương mẹ thì khi ra đường ai làm bé thương bé cũng sẽ nghe theo. Vậy thì bé trở thành con rối của những người biết cách làm bé sợ và thương.  Cha mẹ cần dạy cho con biết phân biệt đúng sai và chỉ làm theo lý trí đúng sai chứ không phải vì sợ hãi hay yêu mến cha mẹ.

- Nhiều bậc cha mẹ tại Việt Nam nói rằng bất lực trong việc dạy dỗ con cái. Chị có lời khuyên như thế nào?

- Họ bất lực vì họ không chịu học hỏi cách dạy con. Cha mẹ truyền thống thường nghĩ rằng sinh con được  thì dạy con được. Đó là lầm lẫn. Dạy con là ứng dụng của khoa học y khoa, tâm lý, giáo dục và triết học. Vì vậy, cha mẹ hãy tham gia các khóa học dạy con hoặc đọc sách dạy con để biết cách ứng xử đúng đắn.

- Chị có thể giải thích rõ hơn về phương pháp: Kỷ luật không nước mắt, không dùng đòn roi của mình trong việc giáo dục con cái? 

- Ngày xưa, con không được cãi cha mẹ vì vậy phải dùng roi vọt. Còn ngày nay, không cần dùng roi vọt mà chỉ cần tôn trọng lý lẽ. Hãy đối thoại và thuyết phục bằng lý lẽ, khoa học và khơi dậy sự thánh thiện trong mỗi con người.

- Theo chị phương pháp này có hiệu quả. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng rất khó áp dụng?

- Tỷ phú Henry Ford nói rằng “Nếu bạn nghĩ có thể hay không thể, bạn đều đúng?” và ông ta đã chứng minh câu nói của mình bằng sự thành công ngoài sức tưởng tượng của mọi người thời đó. Vậy thì phụ huynh hãy nghĩ là làm được và kiên trì thì sẽ làm được. Việc khó làm thì khi thành công mới vinh quang, việc dễ làm thì kết quả sẽ không vinh quang.

- Đến nay chị đã tổ chức được bao nhiêu cuộc hội thảo về Kỷ luật không nước mắt? Phản ứng của mọi người đến tham dự như thế nào?

- Hiện tại Kỷ luật không nước mắt đã được phục vụ hơn 13.000 phụ huynh, lên sóng HTV9, VTV1, VTV2, đã trình bày ở rất nhiều cơ quan, Viện nghiên cứu, Sở giáo dục… mọi người đều nói rằng họ rất “ấn tượng”.

- Chị có nhiều bằng đại học: Quản trị kinh doanh, Quan hệ quốc tế, rồi bằng thạc sỹ Chính sách công ở các trường danh tiếng. Những ngành học này có vẻ rất xa với công việc chị đang làm liên quan tới dạy con trẻ?

- Đúng. Tôi là diễn giả bất đắc dĩ. Hồi đó tôi xây dựng Bạn của Bé với ý tưởng là mời bác sỹ, chuyên gia tâm lý về nói chuyện với phụ huynh thôi. Nhưng thường gặp khó khăn là các diễn giả hẹn rồi không tới, hoặc là nói chuyện chung chung, nên mình buộc phải “chém gió” đại nhưng lại được tung hô từ lần đầu tiên và nhiều người yêu cầu quá cho nên làm luôn cho tới bây giờ. Và vì mọi người có vẻ yêu thương và tin tưởng mình quá nên tôi càng phải cẩn thận hơn, đọc nhiều sách hơn để không vô tình hại một số đông người tham gia chương trình của mình.

- Chị cũng chưa sinh con và nuôi con. Như vậy chị sẽ không có kinh nghiệm thực tế trong việc nuôi dạy trẻ?

- Thật ra, tôi là người mẹ thứ hai của 7 đứa cháu. Đã từng cho bé bú mớm, thay tã, tắm rửa, dạy dỗ… Do đó tôi đọc rất nhiều sách để giúp anh chị nuôi dạy con tốt hơn. Quan điểm của gia đình tôi là không phân biệt cháu hay con mà tất cả là thế hệ tiếp theo của cả nhà, vì vậy mọi người chung tay vào lo lắng như con của mình với tất cả các cháu. Do đó kinh nghiệm của tôi nhiều lắm.

- Sau những lớp học Kỷ luật không nước mắt, chị có ấp ủ những dự định nào nữa không?

- Tôi sẽ về Mỹ học tiến sỹ và vận động hành lang với Chính phủ Mỹ để việc học làm cha mẹ là điều bắt buộc như trẻ em học cấp 1 vậy. Cha mẹ là người ảnh hưởng cả đời con, mà từng con người lại ảnh hưởng toàn xã hội và nhân loại, vì vậy cha mẹ phải học cách dạy con để con đỡ khổ, xã hội bớt tệ nạn, và nhân loại  bớt chiến tranh.

- Chị rất đẹp và đặc biệt yêu trẻ như vậy. Nhiều người thắc mắc vì lý do gì mà chị không xây dựng gia đình để có những đứa con của chính mình?

- Thật ra, thèm xây dựng gia đình lắmchứ, nhưng từ khi tan vỡ mối tình trong đại học thì tôi không thể yêu ai khác trong mười mấy năm trời, đến gần đây mới yêu được anh chàng người Nhật này thôi. Hơn nữa, tôi thấy trách nhiệm làm mẹ quá lớn, nếu mình đẻ con thì dính chặt với nó không còn làm gì được nữa. Nhưng tôi yêu trẻ lắm, tới mức mà không cần phải con mình mình mới thấy hạnh phúc cùng bé. Vì vậy, khi nào tung hoành đã rồi thì sẽ bế vài bé trong thùng rác về nuôi.

- Cuộc sống của chị hiện nay thế nào?

- Bận khủng khiếp!

- Cảm ơn và chúc chị  thành công hơn nữa!