Tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng

ANTĐ - Hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng vốn đã bị nhiều người tiêu dùng Việt Nam có định kiến, thì nay, trước việc nước này đặt giàn khoan trái phép trong lãnh thổ Việt Nam, làn sóng tẩy chay hàng hóa của nước này lại càng sôi sục. 

Hàng Trung Quốc kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường

Trên các diễn đàn của cư dân mạng, chủ đề tẩy chay hàng hóa Trung Quốc nhận được nhiều sự quan tâm. Mạng xã hội Facebook còn lập 1 trang riêng mang tên “Tẩy chay hàng Trung Quốc” với sự tham gia của hàng nghìn thành viên. Bạn Lê Hữu Việt chia sẻ: “Người Việt Nam nên dùng hàng Việt Nam”, trong khi thành viên nick name Trang Pi lại đưa khẩu hiệu: “Tẩy chay hàng Trung Quốc luôn và ngay”.

Tán đồng ý kiến này, nhiều thành viên khác cho rằng tẩy chay hàng Trung Quốc “vì tương lai con em chúng ta”. Mẩu thông tin cảnh báo sản phẩm Trung Quốc kém chất lượng cũng được lan truyền nhanh chóng: “ Các anh chị em gửi cho mọi người biết nhé. Tuyệt đối không ăn táo, cam, quýt, lê, nho… các loại hoa quả từ Trung Quốc. Bên đó có lệnh cấm dân ăn vì phá hủy nội tạng. Trung Quốc lập tức đẩy sang Việt Nam bán. Thực tế khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam cũng không dám ăn hoa quả do chính nước họ sản xuất”. 
Mặc dù thông tin này chưa được kiểm chứng độ chính xác, song có một thực tế là lâu nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện không ít mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đáng chú ý là các loại đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em; quần áo trẻ em sử dụng phẩm nhuộm gây hại; dư chất bảo quản, hóa chất trong hoa quả, rau xanh của Trung Quốc…
Theo Vụ châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), từ năm 2000 đến nay, nhập siêu từ Trung Quốc không ngừng tăng lên, từ 210 triệu USD lên mức 19 tỷ USD tính đến hết năm 2012. Riêng 10 tháng đầu năm 2013, con số này đã đạt 16,9 tỷ USD. Trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất. 
Hàng Trung Quốc ồ ạt chảy vào thị trường Việt Nam từ chiếc tăm tre, dây chun, hoa quả cho đến những sản phẩm công nghệ cao, máy móc, trang thiết bị… Thế nên, không chỉ tại các chợ, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ mà ngay cả các siêu thị lớn như: Big C, Citimart, Lotte Mart… các ngành hàng gia dụng: dụng cụ làm bếp, vợt muỗi,  đèn sạc, nồi cơm điện, bình đun nước điện, máy xay sinh tố, dụng cụ vắt cam, cốc uống nước… đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Ghi nhận thị trường cho thấy, những ngày gần đây, hàng Trung Quốc tiêu thụ khá chậm. Chị Phạm Thị Quỳnh Ngân (chủ sạp quần áo tại chợ Thành Công) cho hay: “Mấy hôm nay quần áo bán chậm lắm, dù đồ mùa hè tôi mới nhập về, giá rẻ nhưng nhiều khách bảo “không mua hàng Trung Quốc nữa. Họ chuyển sang mua hàng “made in Vietnam” rồi”. 
Tương tự, các cửa hàng đồ chơi trẻ em trên phố Lương Văn Can, Hàng Mã cũng ế ẩm hơn thường ngày. Thậm chí, có thông tin cho biết, một số nhà hàng, khách sạn cũng “tỏ thái độ” thiếu thiện chí, không phục vụ khách du lịch đến từ Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho biết, việc tẩy chay dùng hàng Trung Quốc trong bối cảnh này là phản ứng tự nhiên. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng của hãng này hay của hãng khác, của quốc gia này hay của quốc gia khác, miễn là phù hợp với nhu cầu của họ. Nhưng không nên tẩy chay khách du lịch Trung Quốc bởi đây chính là nguồn “xuất khẩu” tại chỗ, giúp Việt Nam giảm nhập siêu.

Đây vẫn là cơ hội tốt để các nhà sản xuất hàng Việt đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, chiếm lĩnh thị trường trong nước.