Tập trung nâng cao chất lượng ĐBQH chuyên trách

ANTĐ - Ngày 3-6, tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), ĐB Nguyễn Đức Chung - Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội đã đóng góp một số ý kiến quan trọng, nhằm hoàn thiện hơn các quy định tại dự thảo luật.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), ĐB Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh vào quy định về số lượng ĐBQH và tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách. Theo đó, về số lượng ĐBQH, không nên quy định cứng tổng số ĐBQH của mỗi khoá Quốc hội mà nên quy định số lượng ĐBQH tương đối mở nhằm dễ dàng điều chỉnh trong thực tiễn hoạt động.

Lý giải cho vấn đề này, ĐB Nguyễn Đức Chung nhận định: “Số lượng ĐBQH của từng khoá có thể thay đổi tuỳ theo sự thay đổi của quy mô dân số, số lượng cử tri mỗi khoá Quốc hội, chưa kể nó còn phụ thuộc vào tình hình cải cách bộ máy hành chính, tình hình kinh tế- xã hội, chính trị của nước ta theo từng giai đoạn phát triển. Vì vậy, nếu vẫn duy trì con số 500 ĐBQH như những khoá trước thì cần cân nhắc để đưa ra những quy định cho hợp lý”.

Về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, ĐB Nguyễn Đức Chung hoàn toàn nhất trí với việc nâng từ 25% lên 35%, thậm chí cao hơn, để các ĐB thực hiện nhiệm vụ một cách tập trung, chất lượng và hiệu quả hơn. Từ đó, giúp chất lượng hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong vấn đề xây dựng pháp luật và thực hiện các chức năng chuyên trách của Quốc hội. Liên quan đến những điều kiện để cho các ĐB chuyên trách hoạt động, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, nên tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ một số nước. Đó là, nên quy định mỗi ĐB chuyên trách có một tổ giúp việc từ 2-3 người, có trình độ học vấn, chuyên môn cao như luật sư, chuyên gia ở các lĩnh vực mà ĐB được giao nhiệm vụ phụ trách. Như vậy, chất lượng hoạt động của ĐBQH chuyên trách sẽ hiệu quả hơn.

ĐB Nguyễn Đức Chung- Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)


Liên quan đến nội dung xác lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội - là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, trong dự thảo luật có quy định: “Tổng Thư ký Quốc hội là ĐBQH do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác”. Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, việc xác lập chức danh này theo quy định tại dự Luật hoàn toàn hợp lý, vì người được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có hướng đi mới, tổ chức lại các hoạt động hỗ trợ, phục vụ hoạt động Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp hơn trước.

Tuy nhiên, chức danh này không được quy định trong Hiến pháp, không phải là một chức danh lãnh đạo Quốc hội, không có vị thế giống như Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp 1959, Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước theo Hiến pháp 1980. “Vì vậy, chức danh Tổng thư ký Quốc hội theo quy định trong dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) không nhất thiết phải bầu trong số ĐBQH mà nên phê chuẩn chức danh này như phê chuẩn một công chức thực hiện nhiệm vụ, chức năng đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội”- ĐB Nguyễn Đức Chung kiến nghị.

Về vấn đề đoàn ĐBQH, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, Đoàn ĐBQH không phải là một cơ quan của Quốc hội mà chỉ là hình thức phối hợp hoạt động của các ĐBQH được bầu trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn ĐBQH có trụ sở, văn phòng giúp việc và có kinh phí hoạt động theo quy định của UBTVQH. Mặc dù, theo ĐB Nguyễn Đức Chung, dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) lần này đã kế thừa, giữ nguyên quy định này là phù hợp nhưng lại chưa quy định rõ về mối liên hệ giữa Đoàn ĐBQH với ĐBQH trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung nhân danh Đoàn ĐBQH.

Để đảm bảo thực hiện đúng vị trí, vai trò của Đoàn ĐBQH là hình thức tổ chức, hoạt động của tập thể ĐBQH trong Đoàn, ĐB Nguyễn Đức Chung đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về quy trình, thủ tục ban hành các văn bản nhân danh Đoàn ĐBQH trong việc giải quyết các kiến nghị của công dân được chuyển đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (theo điểm c, Khoản 2, Điều 58 của dự thảo).